Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

26 thg 7, 2012

“Chúng tôi rất muốn được bảo vệ”

Nói chuyện với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 24.7, ông Lê Lớn, 46 tuổi, ngư dân của xã An Bình thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tha thiết: “Chúng tôi rất muốn được bảo vệ khi đi biển”.
Lê Lớn là một ngư dân kỳ cựu, chuyên đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa. Tàu cá của ông đã 15 lần “chạm trán” với tàu Trung Quốc – lúc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, khi thì bị đập phá, thu giữ ngư cụ, tôm cá – trong những lần ông đang hành nghề trên vùng biển quê hương. Ông cho biết: “Bây giờ, ngư dân bọn tui ra biển khoảng 40 hải lý là đã có thể gặp tàu Trung Quốc. Ở gần thì không sao, nhưng ra đến Hoàng Sa (khoảng 120 hải lý) là bầy tui liên tục bị rượt đuổi. Lần nào cũng phải bỏ chạy”. Cũng theo ông Lớn, những lúc như vậy, ông và các bạn tàu không biết phải điện báo với ai, ở đâu để được cứu giúp. Vùng ngư trường Hoàng Sa bây giờ, theo ông Lớn, có nhiều tàu ngư chính, hải giám của Trung Quốc dọc ngang trên biển.
“Tàu cá của anh em tui có đến 15 lần bị Trung Quốc bắt, xua đuổi, đập phá... khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa; trong đó, hai lần đầu vào tháng 8.2003 và tháng 2.2009 bị họ bắt đưa về giam ở đảo Phú Lâm và đảo Hải Nam. Họ đòi tui nộp tiền chuộc 50.000 NDT/lần mới thả người về. Lần gần nhất tàu tui bị họ bắt giữ là ngày 29.2.2012. Cứ sau mỗi lần mất tàu như vậy, hai anh em tui phải bóp bụng vay tiền sắm tàu mới để ra khơi, nhưng đâu có được yên. Giờ, số giấy tờ, biên nhận trong những lần bị bắt, nộp tiền chuộc... anh em tui đựng cả phuy trong nhà”, ông Lớn kể.
Sao bị bắt hoài mà vẫn cứ ra Hoàng Sa?
Không đi Hoàng Sa thì đi đâu? Anh em tui thuộc lớp ngư dân đi Hoàng Sa kỳ cựu nhất. Ngoài đó, tổ tiên ông bà chúng tôi là người Lý Sơn đã ra đánh hải sản, lặn sản vật mang về, rồi còn đặt bia chủ quyền hẳn trên ấy. Chúng tôi chấp nhận nếu bị tàu Trung Quốc đuổi thì chạy. Sau đó nó về đảo, tàu mình lại vào đánh bắt. Có hôm lặn dưới biển, vừa ngoi lên khỏi mặt nước, thấy họng súng đen ngòm chĩa trên đầu. Có cái thúng chai dùng để bơi ra bơi vào, họ cũng xả súng bắn cả tràng. Cái thúng nát như tương, tui đếm được hơn hai mươi vết đạn.
Nói thiệt, bọn tui chả sợ gì phía Trung Quốc nhưng họ cứ phá hoài, hết rượt đuổi, thu giữ đến đập phá tàu, lưới thì mình hết tiền, lấy gì mua tàu nữa mà ra khơi để kiếm cá tôm nuôi vợ, nuôi con. Mới đây, anh ruột tui là Lê Vinh đổ bệnh, không ra Hoàng Sa đánh bắt được nữa nên tui một mình đưa tàu ra khơi. Lần này lại bị tàu Trung Quốc bắt. Khi thả tui về, phía họ còn “gửi lời thăm Vinh tóc đỏ” và nói rằng “nếu còn thấy ra Hoàng Sa nữa là cắt gân chân”.
Vậy ông và bà con ngư dân khác cần gì nhất khi ra khơi bây giờ?
Cần nhiều thứ chứ nhưng cần nhất vẫn là được bảo vệ khi đánh bắt trên biển. Ngư dân Trung Quốc dám vào vùng biển mình đánh bắt bằng tàu cá lớn, đã vậy còn có tàu lo tổn phí đi theo, rồi tàu ngư chính, hải giám các loại bảo vệ. Tàu cá của ngư dân mình đi Hoàng Sa đơn độc lắm. Mới đây, khi có tổ đội đánh bắt trên biển, ngư dân mình mấy tàu đi chung với nhau để có thêm sức mạnh, đoàn kết với nhau giằng co với tàu cá nước ngoài. Nhưng nếu gặp tàu chiến, tàu có súng của Trung Quốc thì cũng bó tay! Điều bọn tui mong nhất bây giờ là làm sao ra biển mà không bị ai đe doạ, rượt đuổi, không bị bắt, bị đánh và mất mát tài sản nữa. Nếu lỡ có bị bắt, mong Nhà nước can thiệp quyết liệt giùm để ngư dân sớm được trở về và sau đó, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để tiếp tục bám biển. Nhưng đó là tui nói chuyện lỡ bị bắt chứ thật ra tụi tui đâu có muốn vay mượn chi. Nếu Nhà nước có cảnh sát hay hải quân gì đó trên biển nhiều hơn để tuần tra, bảo vệ biển thì ngư dân tụi tui mừng hơn nhiều. Có người bảo vệ thì tụi tui yên tâm đánh bắt, không lo bị bắt, bị mất của mà Nhà nước cũng khỏi phải tốn tiền hỗ trợ ngư dân... (Sài Gòn Tiếp Thị)

Lời bình:

“Chúng tôi rất muốn được bảo vệ khi đi biển”!?

Sao lại rất muốn nhỉ? Theo quy định tại điều 71 Hiến pháp năm 1992; điều 6, 7 Bộ luật tố tụng hình sự, công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật. Như vậy, "chúng tôi phải được bảo vệ khi đi biển" chứ?

Lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển để làm gì nhỉ khi "Ngư dân Trung Quốc dám vào vùng biển mình đánh bắt bằng tàu cá lớn, đã vậy còn có tàu lo tổn phí đi theo, rồi tàu ngư chính, hải giám các loại bảo vệ"?

Thì ra báo chí truyền thông vẫn đưa tin bảo vệ ngư dân là bảo vệ bằng miệng.

Tôi đã viết trong bài Hãy là "phản đối +": "Nếu chính quyền Việt Nam thực sự có nhận thức, trí khôn nhưng thấy mình chưa đủ sức mạnh, bản lĩnh để tự đứng vững và chống đỡ, đã đến lúc phải tỏ rõ lập trường, chính kiến trong lựa chọn đồng minh. Chỉ có vậy, mới mong giải quyết dứt điểm hiểm họa thường xuyên bị đè nén, hãm hiếp ngay trên chiếu chủ quyền của chính mình".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng