Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

15 thg 10, 2011

VÀI CẢM NGHĨ VỀ DOANH NHÂN VIỆT NAM

Nguyễn Văn Hoàng

Doanh nhân là gì? Doanh nhân là một phạm trù tương đối rộng. Ngay cả trên thế giới, mỗi nền kinh tế, mỗi khu vực lại đưa ra một quan niệm khác vào mỗi thời điểm khác nhau. Ở Việt Nam, đây là một khái niệm đang còn nhiều tranh cãi.

Trong từ điển tiếng Việt, doanh nhân được định nghĩa hết sức ngắn gọn, đơn giản: người làm nghề kinh doanh. Và như vậy, không thể đếm xuể số doanh nhân ở Việt Nam. Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của xã hội, truyền thông, báo chí bùng nổ xuất hiện danh sách của các người giàu. Người ta bắt đầu công kênh cái phạm trù doanh nhân và biến nó trở thành thiêng liêng, cao trọng và ngầm giới hạn trong một khu vực cách biệt. Những người am hiểu thì cho đó chỉ là trò “mẹ hát con khen hay” hoặc “mèo khen mèo dài đuôi”, bởi những người khen và những người được khen kia thường ít nhiều có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mật thiết với nhau.

Vô số những chuyện không hay đã xảy ra. Hẳn người dân sẽ rất khó quên những lùm xùm trong các vụ đình đám như PMU 18, Dự án đại lộ Đông Tây, Vinasin… khi mà những ì xèo trong vụ Trịnh Nguyên Thủy - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Sơn Thủy – nông dân (doanh nhân) tiêu biểu được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chọn mời đi Đài Loan để “xúc tiến quan hệ giao lưu về nông nghiệp giữa Việt Nam và Đài Loan”, từng được Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Công Tạn đến trồng cây lưu niệm tại trang trại... là trùm sản xuất heroin giữa lòng Hà Nội, vừa tạm lắng xuống, nhưng vẫn hằn rõ trong não trạng của nhiều người dân Việt Nam.

Đứng về mặt lý thuyết, có người cho rằng doanh nhân là những người dám dấn thân, dám đi trước xã hội, là những người học hỏi không ngừng là đúng. Điều này sai hoàn toàn trên thực tế xã hội, thị trường Việt Nam.

Ở Việt Nam, muốn giàu có buộc phải có mối quan hệ khăng khít với quyền lực. Không giống như các nước phát triển khác, Đảng ta là đảng cầm quyền. Khi giàu có, có thể mua chuộc và sai khiến một vài chức quan nho nhỏ, chứ ở những cấp cao hơn, điều đó thật khó xảy ra. Giàu có chỉ có thể hạ thấp mình bên cạnh các mối quan hệ, ve vãn, khúm núm mong tiếp tục thừa hưởng chút bổng lộc. Do đó, doanh nhân chỉ là những người khi sinh ra vì một lý do nào đó mà không có liêm sỉ, hoặc có nhưng vì không muốn ở trong hoàn cảnh khó khăn, nên tự nguyện cúi mình mang liêm sỉ đi dọn dẹp, lau rửa hoặc để cho người khác dẫm đạp lên.

Đó mới chỉ là tiền đề. Để đi đến thành công, phải biết kết hợp với rất nhiều yếu tố: thủ đoạn, lọc lõi, luồn lách, ma mãnh, trắng trợn, vô nhân, lừa gạt… không từ một phương thức gì miễn sao thu được nhiều lợi nhuận. Chuyện rút ruột công trình của các doanh nghiệp đã phổ biến đến mức chán chẳng buồn nói và coi đó là một điều tất yếu trong cuộc sống. Chuyện các doanh nghiệp độc quyền thi nhau kêu lỗ để tăng giá, bóp cổ người dân, nhưng lại chia nhau hàng nghìn tỷ đồng lãi cũng trở nên bình thường. Có những doanh nghiệp lợi dụng chính sách chuyển đổi cây trồng, quay ra khai thác tận diệt rừng, cho thuê rừng với giá vô cùng rẻ mạt. Doanh nghiệp khai thác quặng khoáng sản thi nhau đào bới, xới lộn tan hoang, gây hủy hoại và ô nhiễm môi sinh. Nhiều doanh nghiệp dựa vào chính sách đền bù, thu hồi đất, bỏ túi những khoản lợi kếch xù từ việc chênh lệch giá khiến lòng dân oán than, mầm mống của bất ổn xã hội. Một vài doanh nghiệp lợi dụng sự ưu đãi, đầu tư dàn trải gây thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền thuế của dân. Rất nhiều doanh nghiệp nhẫn tâm trục lợi trên trên mồ hôi, công sức của người lao động như trả lương thấp, nợ lương, không đóng bảo hiểm cho người lao động… Tạo công ăn việc làm bằng việc chi trả những đồng lương rẻ mạt gần nhất thế giới, kết hợp với sự khai thác, bóc lột tối đa sức lao động là chính sách đang được áp dụng của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam.

Trong khi nhà nước đang phải đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư thì một số doanh nghiệp lại “mang chuông đi đánh xứ người”, đổ vốn ra nước ngoài. Chuyện này cũng na ná như chuyện nước ta có 3200 km bờ biển mà vẫn phải nhập khẩu muối ăn, muối của nông dân làm ra không bán được khiến đời sống của diêm dân điêu đứng; hay cũng giống như việc tăng cường khai thác, tăng sản lượng xuất khẩu than song hành với việc đi ký hợp đồng nhập khẩu than trở lại; rồi đường, phân bón… Cho nên theo tôi, hiện tượng doanh nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chẳng phải giỏi giang, nhìn xa trông rộng. Mục đích chính chỉ là để xà xẻo và rửa tiền.

Những năm trở lại đây, cùng với tư duy “đổi mới”, có một số doanh nhân “bước” sang làm chính trị. Gọi thế cho oai chứ thực ra họ không thể tự tiến vào khi chưa được phép của những người “chủ nhà”. Bản chất của việc này, nếu nói một cách văn hoa lịch sự thì là kết bè, kéo cánh; còn nói một cách thực tế, thô thiển bằng ngôn ngữ thị trường thì đấy chỉ là nhà giàu sắm chó. Nhưng thế cũng thừa đủ mãn nguyện cho những kẻ giàu có lấy đó làm chỗ ẩn náu, che chở cho đống tài sản bất minh của mình.

Chưa một doanh nhân đất Việt nào khiến tôi xuất hiện sự khâm phục. Bản thân những doanh nhân đó, hơn ai hết cũng tự thấy mình chẳng danh giá gì. Bởi vì chưa có một doanh nhân nào minh bạch được biệt thự mình đang ở, trang trại mình về nghỉ, tiền gửi tài khoản trong nước và nước ngoài… là do kiếm được từ những phi vụ trong sạch nào?

Không thể làm giàu nếu không chung chi và quan hệ. Ảnh minh họa nguồn internet.


Có người đã đề cập và lấy làm thất vọng với cái sự học của doanh nhân mà quên mất họ chẳng cần đến học, bởi vì học chẳng giải quyết được gì nhiều ở cái Việt Nam này, ngoài việc nai lưng bươn chải kiếm cái đút mồm và một chút dư dả đủ để vênh váo với đời.

Một số những kẻ thiển cận, đứng về phía doanh nhân, lên tiếng khẳng định quan điểm ngu dốt thì không giàu. Đã giàu là thông minh, giỏi giang hơn người. Họ cho rằng những người vì thua kém nên cay cú, ghen tức sinh lời chê bỉu. Ngu dốt thì khó giàu, nhưng rất nhiều người không giàu lại không hề ngu dốt. Người có học, trong mọi hoàn cảnh, ít nhiều luôn chứa đựng trong mình chút tự trọng nên khó gập mình, bợ đỡ nhất là với những người họ không phục.

Ở các nước phát triển, đa số những người giàu ắt là phải có chỗ hơn người, và chỗ đó thuộc về tài năng, trí tuệ. Ở Việt Nam người giàu cũng có chỗ hơn, nhưng là hơn về thiểu hoặc không có nhân cách, liêm sỉ, và hơn về dã man, tàn bạo, cơ hội, thủ đoạn. Chuyện biến mình thành thân trâu ngựa chịu sai bảo hoặc làm trò chơi đã trở nên quá bình thường trong xã hội. Sẽ có nhiều người đồng ý với tôi rằng chuyện không thể chấp nhận: dâng vợ mình cho người khác như Chiêu Quân Cống Hồ chỉ xảy ra trong sử sách, truyền thuyết thì nay ở Việt Nam nhan nhản. Tôi từng có nhận định rằng: Ở các nước phát triển, tiền tài, địa vị có thể là thước đo khả năng trình độ của chủ sở hữu và tỷ lệ thuận; ở Việt Nam còn là thước đo của liêm sỉ và tỷ lệ nghịch.

Nếu ở Việt Nam, ai đó có tí học mà thấy ngớp và chộn rộn trước cái sự giàu của một số doanh nhân, đang mơ ước và quyết tâm thực hiện ước mơ, tôi xin mạo muội đưa ra một lời khuyên: để đạt được điều đó, chỉ có một cách duy nhất là nên rũ bỏ liêm sỉ càng nhanh càng tốt, chứ đừng có thấy ở Mỹ không có học cũng trở thành tỷ phú chân chính mà tơ tưởng viển vông. Điều đó không bao giờ xảy ra ở Việt Nam nếu ai đó còn đeo đẳng liêm sỉ.

Một số người giàu có chung suy luận: làm ăn nghiêm chỉnh, ngay thẳng thì không thể giàu có. Do hoàn cảnh bất khả kháng nên phải chấp nhận hạ mình, luồn cúi mà thôi. Nếu vậy thì đừng bao giờ vỗ ngực to mồm tự xưng là làm giàu chính đáng. Phải thừa nhận niềm mơ ước làm giàu của người Việt là rất lớn, nhưng với nghị lực phi thường đã rơi rụng, tổn thất gần hết qua vài cuộc chiến, dựa vào chút tài năng mọn mà không cúi đầu chịu nhục để quan hệ, e cũng chẳng vênh vang được với ai!

Mọi người có mặt trên thế giới đều muốn giàu có, nhưng làm giàu hợp pháp là việc rất khó. Mỗi người sinh ra chứa đựng một tư duy khác nhau. Trở thành một doanh nhân thành đạt, chân chính đích thị là giỏi, là nhân tài. Thành đạt vốn phô phang trước mặt mọi người, không cần khoe ai cũng biết. Nhưng còn chân chính, sẽ có rất nhiều yếu tố để chứng minh, nhưng tuyệt đối không thể thiếu sự minh bạch. Vậy ở Việt Nam, doanh nhân nào từng chia sẻ sự minh bạch từ những đồng lợi nhuận đầu tiên?

N.V.H.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng