(Kienthuc.net.vn) -
Video ghi lại cảnh tượng được cho là diễn ra ở một nhà hàng ở TP. HCM đã
khiến nhiều người không khỏi giật mình về “kiểu” ăn buffet “có một
không hai”.
Trong video, hàng chục người nhào vào,
vồ lấy từng chút thức ăn ngay khi chúng vừa được mang ra. Những đôi tay
cuống cuồng thu vén đồ ăn cho vào đĩa. Cảnh giành giật diễn ra huyên
náo. Những người về tay không thì tỏ rõ vẻ chán nản.
Ảnh cắt từ clip |
Theo ông Vũ Thế Long, Thư ký Câu lạc bộ
Ẩm thực Việt Nam: Buffet là kiểu tiệc du nhập từ phương Tây, người Việt
xưa không có kiểu ăn này. Ăn buffet cũng là một lối ăn ngoại giao vì
thực khách không phải ngồi một chỗ cố định mà có thể đứng ăn, ngồi ăn
với nhóm này, nhóm khác. Ăn để đàm đạo, để làm quen, mở rộng quan hệ làm
ăn… Người ta còn gọi đó là tiệc đứng.
Kiểu ăn buffet không cần người phục vụ
bưng bê thức ăn cho khách, chỉ có nhân viên thu dọn bàn, do đó ăn gì,
uống gì khách phải tự phục vụ cho mình từ tìm chén dĩa, đũa muỗng, lấy
thức ăn, tự tìm chỗ ngồi nếu muốn.
Ông Vũ Thế Long cho rằng: “Cảnh ăn uống
tranh giành nhau như trong bữa tiệc kiểu buffet trong đoạn video trên
không thể chấp nhận được, đó là thiếu lịch sự và phi văn hóa. Những ai
trông cảnh tượng ấy đều không thể không buồn và cả xấu hổ nữa. Người
Việt xấu hổ với nhau đã đành, mà còn bạn bè quốc tế nữa, họ nhìn vào
kiểu ăn “có một không hai” ấy họ sẽ đánh giá thế nào về văn hóa và con
người Việt Nam? Đừng để vì miếng ăn mà làm mất thể diện cả dân tộc!”.
Trong nháy mắt đã hết. Ảnh cắt từ clip |
Ông Long giải thích: “Hiện tượng tranh
giành khi ăn nói trên có thể mỗi người sẽ có mỗi cách khác nhau. Có
người thì có thể cho rằng nhà hàng chưa chú ý đến việc phục vụ, các món
ăn không đầy đủ, đơn điệu nên dẫn đến tranh giành nhau. Nhưng nếu thế
thì sao thực khách ở các nước khác họ không thế? Ví dụ như ngay ở
Myanmar, tôi thấy trong bữa tiệc mà tôi đã từng dự, nhà hàng chỉ cho tự
chọn một số món thôi. Các món đắt tiền thì ăn bao nhiêu trả tiền bấy
nhiêu, sau đó tính tiền theo món, thực khách ăn uống rất nhã nhặn và
lịch thiệp, đâu có như ta.
Nhoài, với, tranh giành. Ảnh cắt từ clip |
Nên hiện tượng tranh giành ăn uống trên
chỉ là xuất phát từ tâm lý của một bộ phận thực khách người Việt mình
thôi. Tâm lý “tiểu nông” thích thu vén cho riêng mình được dịp trỗi dậy,
cùng với quan niệm cho rằng kiểu ăn buffet là kiểu ăn tự chọn theo sở
thích, tự lấy những món gì mà mình thích, nên mới nảy sinh chuyện tha hồ
lấy bao nhiêu cũng được, nhất là những món ngon, những món đắt tiền,
càng nhiều càng tốt. Cứ nhìn vào cảnh tranh giành nhau trong video thì
sẽ rõ điều ấy”.
“Từ xa xưa, dân gian ta có câu “miếng ăn
là miếng quý” nhưng lại cũng có câu “miếng ăn là miếng nhục” hay “miếng
ăn quá khẩu thành tàn”. Điều đó cho thấy không chỉ “miếng ăn” mà “cách
ăn” cũng được dân gian hết sức coi trọng. Đó vừa là cái “tinh” trong
chuyện ăn uống của người Việt, cũng vừa là để nhắc nhở cách ứng xử của
mọi người trong cộng đồng về chuyện ăn uống”, ông Long cho biết thêm.
Tuấn Linh/bee
0 nhận xét:
Đăng nhận xét