Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

27 thg 7, 2012

Cái danh- lợi và cái ... hoang dã


Có 2 vụ việc gần đây khiến dư luận xã hội xôn xao và chấn động mạnh. Một vụ việc là cái danh- cái lợi. Một vụ việc là cái... hoang dã, khiến những người Việt có lương tâm phải rùng mình, căm phẫn.
Cái danh, hay cái hoang dã cũng chỉ là vị thế, hoặc tính người cụ thể. Nhưng hóa ra, nó có thể khiến thể diện quốc gia được tôn vinh hoặc bị tổn thương, tùy cách ứng xử.
Cái danh, tự xa xưa luôn được trọng vọng. Chả thế, cụ Nguyễn Công Trứ từng có câu thơ nổi tiếng: Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông.
Ở một nghĩa khác, muôn thuở, cái danh luôn đi kèm cái lợi. Chả thế, có khái niệm "danh lợi"! Từ cái danh, con người ta mới... kiếm lợi.
Nhưng trong đời sống này, dường như cái lợi nhỏ cũng có thể "lái" cái danh (dự), làm xoay đảo, thậm chí hủy hoại cả cái danh. Khi ấy, lợi thì có lợi, nhưng danh (dự) không còn.
Giá quá đắt của một cuộc... chạy "sô"
Thế là cuối cùng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch) đã chính thức gửi công văn số 515/NTBD đến Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, các sở VH-TT-DL trên cả nước, các đơn vị tổ chức NTBD..., đề nghị tạm dừng cấp phép biểu diễn đối với 2 nghệ sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, cả trong nước và nước ngoài.
Do việc họ đã tự ý bỏ về nước, không tham gia chương trình nghệ thuật "Chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị VN- Lào" (18/7), để tiếp tục "sô" diễn tại Ninh Bình (đã ký hợp đồng cá nhân trước đó với Công an tỉnh này).
Một cái giá quá đắt cho...1 "sô" diễn!
Quá đắt cho phút tính toán nông nổi. Vì tiền, hay vì "chảnh"- cá tính phổ biến của các "sao"? Có lẽ chỉ họ hiểu rõ mình nhất.
Và còn cái giá đắt nào nữa tiếp theo, chờ đợi họ?
Việc 2 nghệ sĩ trẻ, nhưng khá nổi tiếng của dòng nhạc thính phòng bị cấm biểu diễn đã liên tục gây xôn xao dư luận.
Người bênh vực, phản đối, kẻ phê phán, đồng tình đều có lý lẽ, quyết liệt...ngang nhau. Không bên nào kém bên nào.
Phía bênh vực họ, có cả những tên tuổi nghệ sĩ khá nổi tiếng như NSND Trung Kiên, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo...
Bênh vực- bởi lẽ trong cái giới NTBD vốn đầy thị phi, đầy các "quái chiêu" đánh bóng tên tuổi bằng mọi cách, mọi kiểu lố lăng, kể cả bằng scandal thì họ- cả 2 đều là những gương mặt sáng giá, chuyên hát những ca khúc cách mạng một thời trong sáng, nhiệt huyết làm rung động con tim không biết bao người.
Họ đồng thời còn là những giảng viên âm nhạc. Chính nghiệp biểu diễn kiêm nghề sư phạm khiến họ biết chừng mực, giữ mình. Cũng là giữ cho tên tuổi  luôn có được tiếng lành đồn xa.
Tiếc thay giờ đây, tên tuổi họ cũng có nguy cơ ...tiếng dữ đồn xa.
Nhưng phía phê phán- cũng có lý.
Bởi lẽ, như ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ VH- TT- DL trả lời báo chí, cho biết rằng: Khi xảy ra sự việc, phía Bộ VH-TT-DL và Cục Hợp tác quốc tế đã làm việc với Tỉnh ủy Ninh Bình, đề nghị họ can thiệp với ngành CA, và đề nghị Học viện ÂNQG cử người thay thế 2 ca sĩ này biểu diễn tại Ninh Bình.
Phía Bộ VH-TT-DL cũng thống nhất và trao đổi, sẽ hỗ trợ về hợp đồng lẫn việc hủy vé máy bay khi họ không tham gia chương trình ở Ninh Bình. Dầu vậy, cả Anh Thơ lẫn Trọng Tấn đều gật đầu cho qua chuyện trước mặt ban tổ chức.
Nhưng sau đó, lẳng lặng thu dọn hành lý về nước lúc nào không ai biết. Cũng không thông báo với ban tổ chức về sự vắng mặt trong đêm diễn tiếp theo!
Nếu đúng mọi điều như vậy, thì cả 2 nghệ sĩ này, đặt "cái tôi" nghệ sĩ của mình "hơi bị"... nặng.
Nổi tiếng và...tai tiếng, đôi khi chỉ cách nhau đúng 1 phút xốc nổi nào đó, tiếc thay. Và như dân gian từng triết lý, cả Trọng Tấn và Anh Thơ đang ở tình thế sai một ly, đi một dặm.
Cũng nhân vụ việc này, mà chuyện "chảnh' của các "sao", dẫn đến bỏ "sô" diễn (cả nghệ sĩ tự do lẫn nghệ sĩ Nhà nước chuyên hát nhạc cách mạng), làm ảnh hưởng đến cái chung, được báo chí khui ra rất cụ thể. Cũng tiếc thay trong đó, có cả tên tuổi... Trọng Tấn và Anh Thơ.
Thế nên, vụ việc vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly. Không may cho 2 nghệ sĩ, "cái tôi" của họ trong trường hợp này lại đụng chạm tới thể diện và uy tín quốc gia. Đó là điều tối kỵ.
Đến mức, ông Phan Đình Tân nhận xét: Họ coi trọng hợp đồng cá nhân, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích đất nước! Một nhận xét vừa nặng, vừa có lý.
Nhưng nhìn rộng ra trong xã hội hiện nay, thì lối sống, hay những toan tính coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích đất nước, chua chát thay nó đâu còn là... của hiếm? Cứ nhìn vào các vụ án thất thoát, tham nhũng hàng nghìn tỉ đồng của nhiều người lớn, của các quan chức, đủ biết.

Hai nghệ sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ
Thì chuyện Trọng Tấn và Anh Thơ vẫn chỉ đáng giận, đáng chê hơn đáng ghét. Đáng lên án và kỷ luật cảnh cáo hơn đáng... "căm phẫn và nguyền rủa".
Cú vấp đau của Trọng Tấn và Anh Thơ muôn thuở là bài học cho những con người của công chúng- khẳng định tên tuổi đã khó, giữ được tên tuổi còn khó hơn.
Dù vậy, điều dư luận xã hội bàn luận nhiều không kém, ở vụ việc này là gì?
Đó là "tính chuyên nghiệp" trong hoạt động quản lý nghệ thuật, văn hóa. Là tính pháp lý ràng buộc nghệ sĩ khi tham gia biểu diễn ở bất cứ chương trình nào.
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận xã hội khi bênh vực Trọng Tấn, Anh Thơ, cũng mổ xẻ kỹ càng về "tính chuyên nghiệp" trong cung cách quản lý của ngành VH- TT- DL. Chuyên nghiệp trong xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và phân công công việc, tránh ngẫu hứng, tùy tiện.
Khi mà dư luận xã hội cho rằng, cái sự bỏ "sô" diễn của Trọng Tấn, Anh Thơ, ngoài sự tính toán lợi ích cá nhân phía họ, nó còn là hệ lụy của cách làm việc mang tính chất... tiểu nông, thiếu tính chuyên nghiệp của ngành chủ quản với nghệ sĩ, lâu nay.
Dù ông Trịnh Vũ Thìn, một người được coi có nhiều kinh nghiệm tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật Nhà nước nhìn nhận khá công tâm, cho rằng, nghệ sĩ phải phân biệt rõ ràng chương trình có doanh thu với chương trình do Nhà nước tổ chức mang ý nghĩa chính trị. Một bên là "thuận mua vừa bán", một bên mang tính quốc lệnh. Nhưng...
Nghệ sĩ vốn ngẫu hứng, thì quản lý văn hóa càng cần khoa học.
Nghệ sĩ sống cảm tính thì quản lý văn hóa càng cần bài bản.
Chứ nghệ sĩ hành động theo bản năng vì những tính toán lợi ích cá nhân, lại gặp cung cách quản lý tùy tiện, thiếu tính pháp lý, thì khi đó, sự "được, mất" của thể diện quốc gia cũng mong manh, như cái toan tính sốc nổi của họ.
Cái giá đắt của Trọng Tấn, Anh Thơ phải trả, xét cho cùng,  ngành VH-TT-DL cũng phải chung... "chi", bởi năng lực quản lý luộm thuộm của ngành. Đâu phải chỉ để giành riêng cho lỗi lầm của họ?
Ai... hoang dã hơn?
Có 1 vụ việc làm kinh hoàng tất thảy xã hội. Và cũng làm người viết bài này phải rơi nước mắt.
Đó là hành vi giết một cách dã man, tàn bạo 2 con vooc chà vá quý, rồi ngông nghênh, ngạo mạn tung lên mạng FB của một nhóm những kẻ mất nhân tính mới xảy ra gần đây.
Khi tội ác hành hạ, giết hại 2 con vooc quý bị cả xã hội căm phẫn lên án, các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, truy tố thủ phạm và đồng phạm, cũng là lúc, người ta buộc phải nhìn lại, số phận các động vật quý hiếm, hoang dã, động vật trong sách đỏ cần bảo vệ, ở nước ta đang sống ra sao?
Không còn là sự giật mình nữa, trước thảm trạng sống của các loài vật. Mà nên đặt dấu hỏi, vì sao?
Trước đây không lâu, cả xã hội bàng hoàng vì một câu chuyện thương tâm. Những kẻ ác nào đó, đã ngang nhiên đầu độc, rồi giết hại 1 con hổ ở Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang), lấy xương nấu cao. Cơ quan chức năng vào cuộc, đã phát hiện ra đường dây buôn bán động vật quý hiếm.
Tiếp đó, người ta phát hiện xác 1 con tê giác Java tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, có dấu hiệu của sự bị sát hại để lấy sừng.
Rồi tiếp đó nữa, voi Béc Khăm của Đắc Lắc bị giết cực kỳ dã man để lấy ngà.
Nhìn ảnh những con vật chết thê thảm dưới bàn tay tàn bạo của những kẻ độc ác, manh tâm, mà con người ta đâm hoang mang. "Đồng loại" hay thú dữ đây?

Voọc chà vá là động vật quý hiếm của Việt Nam
Báo nld.com.vn ngày 25/7 cho biết:
Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, tính riêng trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã bắt giữ, tịch thu 34 tấn thịt động vật hoang dã từ các vụ buôn bán trái phép tại VN.
Còn theo Tổ chức Bảo vệ ĐVHD Thế giới (WWF), VN là 1 trong các quốc gia có việc thực thi bảo vệ ĐVHD kém nhất và phải nhận "thẻ phạt" màu đỏ đối với 2 loài tê giác và hổ. VN cũng là quốc gia xếp cuối cùng trong bảng đánh giá năng lực kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD.
WWF cũng cảnh báo VN nên xem xét lại khung hình phạt đối với loại tội phạm giết hại ĐVHD.
Và: Chỉ trong vòng  hơn 2 thập niên gần đây, ít nhất đã có hơn 10 loài động vật vĩnh viễn biến mất khỏi môi trường tự nhiên ở VN. Có thể kể đến như tê giác 1 sừng, tê giác 2 sừng, bò xám, lợn vòi ở Tây Nguyên, cầy rái cá...
Liệu đây cũng có phải là một nỗi hổ thẹn cho uy tín và thể diện quốc gia không?
Nhân vụ giết hại dã man 2 con vooc, ngày 23/5, VietNamNet có bài viết "Ăn thịt vooc: Thú chơi man rợ của đại gia". Thú thật, người viết bài đã không thể đọc và nhìn ảnh, vì khiếp đảm và đau đớn cho số phận một con vật, một loài vật, nhiều loài vật. Nhiều bạn đồng nghiệp đã phải thổ lộ, cùng chung tâm trạng đó.
Giữa động vật hoang dã và con người, ai là loài ...hoang dã hơn đây?
Và có bao giờ, những hành vi tội ác đó được xử lý tương xứng theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, bảo vệ động vật quý hiếm, của Luật Hình sự? Hay hầu hết các vụ việc sát hại man rợ các con vật quý hiếm, đơn độc đáng thương, sau khi báo chí nêu lên, ồn ào dư luận 1 thời gian, rút cục lại rơi vào im lặng, hoặc quên lãng.
Liệu việc "WWF cảnh báo VN nên xem xét lại khung hình phạt đối với loại tội phạm giết hại ĐVHD" có khiến các ngành chức năng động tâm hơn không? Có khiến VN thay đổi chế tài xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe để hạn chế thấp nhất tội ác của con người với rừng xanh.
Nước mắt của rừng đã chảy. Máu của rừng đã đổ. Từ lâu.
Văn minh và văn hóa một dân tộc, có thể xem xét từ hành vi ứng xử với môi trường và giống loài. Nhân bản hay dã man, cũng từ đó...
Và người Việt chúng ta, cũng nên lấy đó là một nỗi thẹn cho quốc thể
Đáng buồn nữa, những giống loài khác, nếu may mắn hơn không bị sát hại, và được cứu hộ thì buồn thay, sớm muộn cũng lại đi đến... cái chết.
Câu chuyện con bò tót mới đây tại Thừa Thiên-Huế đi lạc vào sân bay Phú Bài ngày 23-7, được các chuyên gia cứu hộ bắn thuốc mê (tới 8 liều) đã chết vào chiều 24-7. Cuộc cứu hộ này hết sức rầm rộ với hàng trăm người tham gia, chi phí lớn, thậm chí mời cả chuyên gia cứu hộ của Thảo Cầm Viên từ TPHCM ra Huế  "tác nghiệp" nhưng kết quả bất thành, đã để lại nỗi buồn day dứt cho xã hội.
Thương cả số phận một con vật, lẽ ra có thể sống sót.
Và cũng đâu chỉ có con bò tót đẹp đẽ, đang sức trai. Trước đó, 1 người dân xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) đã mua lại được 2 con cá tra 71 kg và 86 kg với giá 27 triệu đồng, để đưa về trại giống, chăm sóc đặc biệt. Tiếc thay, lần lượt 2 con cá tra "khủng" đã chết, do thiếu những điều kiện sống cần thiết và phù hợp.
Cái chết bất ngờ và đau thương của con bò tót khỏe mạnh, đẹp đẽ đã khiến dư luận xã hội lo ngại, nghi ngờ chính năng lực cứu hộ của cơ quan chuyên môn, cho dù vẫn chưa có kết luận chính thức.
Chợt nhớ tới danh hiệu VN là "Quốc gia hạnh phúc thứ 2 trên thế giới" do một tổ chức tư nhân ở Anh đo đếm mới đây- đã bị người VN- vốn thuộc dân tộc lạc quan nhất thế giới chối bỏ, phản ứng, chê cười.
Nếu các loài động vật quý hiếm, động vật hoang dã cũng ...biết nói tiếng người, chúng sẽ nói thế nào nhỉ? Hạnh phúc hay...bất hạnh?/tuanvietnam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng