Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

26 thg 6, 2012

PGS Phạm Vĩnh Cư: Đáng sợ khi "của rởm" được chấp nhận...

(Trái hay Phải) - "Những người đánh mất tự trọng dù có mọi thứ đấy nhưng mà họ sẽ không bao giờ thấy mình hạnh phúc thật sự. Bởi không đánh mất lòng tự trọng là điều kiện tối thiểu để con người sống như một sinh vật có tinh thần" - PGS Phạm Vĩnh Cư.

"Giả dối tích cực" vì lợi ích vật chất

PV: - Mấy năm nay, thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng đỗ 97 - 99%. Cả nước chi ra hàng nghìn tỷ đồng tổ chức một cuộc thi mang tính hình thức chỉ để loại ra 1-3% thí sinh yếu kém, trên thực tế, chẳng ai ngây thơ tin vào những kết quả "đẹp như mơ" này nhưng oái oăm là nó lại làm hài lòng gần như tất cả mọi người và thế là năm nào chúng ta cũng làm y như thế. Theo PGS, có thể lý giải về hiện tượng này như thế nào?

PGS Phạm Vĩnh Cư: - Đấy là sự giả dối “tích cực”, tức là chủ động nói dối. Phải chăng những người làm giáo dục có những lợi ích của mình và chúng gắn với thành tích giáo dục. Thành tích giáo dục càng cao người ta càng có nhiều lợi ích, cụ thể ở đây là lợi ích vật chất. Tạo ra thành tích thật khó lắm, tất cả cái gì là của thật, là của xịn đều vô cùng khó khăn. Vì thế, người ta đua nhau tạo ra những thành tích giả, đặc biệt đáng sợ khi thứ “của rởm” đó vẫn được xã hội chấp nhận như một điều tự nhiên.

Lợi ích của cải, vật chất nói trên đi kèm với những cái hại vô hình mà người ta không thể nhìn thấy, không thể sờ thấy, không thể đo đếm được. Con mắt thường chỉ chú mục vào quyền lợi vật chất khiến họ tưởng chúng to lớn lắm, vì chúng, họ có thể bán tất cả. Đó là trạng thái mù quáng đơn thuần, nhà Phật gọi là “vô minh”.
PGS Phạm Vĩnh Cư
PGS Phạm Vĩnh Cư
“Vô minh" không phải là không nhìn thấy, không phải là mù mà là không nhìn thấy cái vô hình bởi vì con mắt đã bị cái hữu hình quyến rũ, che lấp cái vô hình, làm con người mất khả năng nhận thấy cái vô hình. Đó là sự "vô minh" chung chứ không chỉ trong ngành giáo dục.

Sự “vô minh” này có ở khắp nơi, trong mọi thời đại. Vấn đề chỉ ở chỗ, có những nơi, có những người biết cảnh giác với sự mùa lòa tinh thần trước lợi ích vật chất, do đó, có biện pháp để ngăn ngừa. Còn thời đại chúng ta đang sống, vì quá tiến bộ, vì có khoa học kỹ thuật, vì ai cũng tưởng mình sáng suốt, ưu việt, vv và vv…, chúng ta thấy không cần phải lo, đã có những điều kiện khách quan bảo vệ cho ta, đấy là miền đất hứa cho sự “vô minh” truyền nhiễm.

PV: - Xin PGS nói rõ hơn về cái hại vô hình mà con mắt thường không nhìn thấy được? Sẽ ra sao khi người ta cứ tạo ra những “của rởm” và xã hội vẫn chấp nhận thứ “của rởm” đó như một cái gì đó rất...tự nhiên?
 
"
Tạo ra thành tích thật khó lắm, tất cả cái gì là của thật, là của xịn đều vô cùng khó khăn. Vì thế, người ta đua nhau tạo ra những thành tích giả, đặc biệt đáng sợ khi thứ “của rởm” đó vẫn được xã hội chấp nhận như một điều tự nhiên."
 
 PGS Phạm Vĩnh Cư
PGS Phạm Vĩnh Cư: - Giả sử một học sinh có học lực kém, chính nó cũng biết nó không thể đi xa với đèn sách được. Tất nhiên, nó vẫn đi học, thời gian đầu về nhà là “vò đầu bứt tóc”. Nhưng rồi dần dần, nó thấy là, ở trường, các thầy cô cũng không đến nỗi quá nghiêm khắc, dù nó học kém thế nào điểm cũng từ trung bình trở lên. Thế là nó lại càng yên tâm, thấy không cần phải cố gắng, chăm chỉ, thức khuya dậy sớm làm gì. Cứ học cho vừa sức thôi, kiểu gì cũng sẽ tốt nghiệp được.

Nó học hết phổ thông cơ sở, được chuyển lên phổ thông trung học. Ở nhà bố mẹ nuôi đầy đủ, ở trường thầy cô cho điểm tốt, nó trở nên ỉ lại, dần dần mất ý thức nó là đứa học lực kém. Nó thấy cuộc sống với nó thật dễ dãi, đối với mọi người hẳn cũng dễ dãi như thế. Rồi nó tốt nghiệp phổ thông trung học, cũng muốn tiếp tục vào đại học, bởi nó nghĩ, học phổ thông như thế thì học đại học cũng tương tự thôi. Đi học như thế thì thật là sung sướng quá.

Nhưng vì tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học vào đại học không bao giờ là 100%. Nó phải cạnh tranh với người khác, và đương nhiên với học lực kém, nó bị loại. Lúc này, nó cũng đã tới tuổi thành niên, bố mẹ thì cũng đã già yếu. Người thân mới bảo nó, hãy tự kiếm sống đi!

Vậy nó sẽ kiếm sống bằng cái gì? Từ tấm bé nó đã không phải làm gì, chỉ cần đi học. Mà học thì nhàn nhã, chẳng phải lo lắng gì. Vì thành tích nên nhà trường cho điểm tất cả học sinh từ đạt trở lên, mọi thứ dễ dàng như thế khiến nó chẳng thấy cần phải chăm chỉ, cần cù, chịu khó, lo cho bản thân, tức là biết làm một cái gì đó. Kết quả là khi đã thành niên, có quyền công dân, nó vào đời mà không có một cái gì, không biết làm cái gì để có thể tự nuôi sống bản thân.

Đấy là cái gì? Hệ quả của nền giáo dục dối trá là cái gì? Hệ quả đó là cái hại, mà là cái hại không thể hiện trực tiếp bằng vật chất tức thời.

Phải cảm thấy bị hạ nhục khi nói dối...
 
"
Không hoàn cảnh nào mà không có lối thoát. Đúng, chúng ta phải làm thế nào để không đặt con cái mình vào những thử thách trung thực quá sức. Nhưng mỗi gia đình cũng không thể xây tháp ngà cho con mình sống suốt đời, để nó không bao giờ phải tiếp xúc với cái xấu"
 
         PGS Phạm Vĩnh Cư
PV: - Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây, GS Hoàng Tụy cảnh báo: "trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung thực, nếu đặt thiếu niên trước những thử thách trung thực quá sức các em (việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay – PV) thì cũng chẳng khác nào đưa trẻ ra phơi nhiễm giữa một vùng đang dịch bệnh". Ông nghĩ như thế nào về nhận xét này?

PGS Phạm Vĩnh Cư: - Theo tôi, điều đó xảy ra trong những điều kiện ngoại biệt, đặc thù, nhất thời như GS Hoàng Tụy nói ở đây là việc thi tốt nghiệp. Cũng có thể, xã hội Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Nhưng tôi biết rằng, không hoàn cảnh nào mà không có lối thoát. Đúng, chúng ta phải làm thế nào để không đặt con cái mình vào những thử thách trung thực quá sức. Nhưng mỗi gia đình cũng không thể xây một tháp ngà cho con mình sống suốt đời, để nó không bao giờ phải tiếp xúc với cái xấu.

Chúng ta phải tìm ra một cách xử lý hoàn cảnh, chứ không chấp nhận bế tắc. Vậy vấn đề là từng người một phải làm thế nào để xác suất con mình rơi vào “những thử thách trung thực quá sức” mỗi ngày một ít đi, mỗi nơi một ít đi. Dần dần, chúng ta sẽ tạo ra được điều kiện chung, để con cháu mình không phải rơi vào những hoàn cảnh bị “thử thách trung thực quá sức” như thế.

PV: - Trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung thực đó, làm thế nào để giới trẻ có thể tự tin sống trung thực, tự tin tìm một đường sống có ý nghĩa thực chất cho chính họ và cho những người xung quanh?

PGS Phạm Vĩnh Cư: - Ông Trời, trong lập trình của ông ấy, đã gài vào cho con người một cảm xúc khó chịu: cảm xúc bị cưỡng bức, bị hạ nhục khi con người phải nói không phải những điều mình suy nghĩ, mình cảm thấy, tức là nói dối. Và mặc dù có thể thu hoạch được rất nhiều nhờ sự nói dối và gian dối ấy, không một ai lại không đánh mất lòng tự trọng cả. Ai cũng thế thôi, khi có đủ mọi thứ mà để mất lòng tự trọng, đối diện với chính mình, người ta đều cảm thấy đó là tổn thất không gì có thể đền bồi được. Những người đánh mất tự trọng dù có mọi thứ đấy nhưng mà họ sẽ không bao giờ thấy mình hạnh phúc thật sự. Bởi lẽ, không đánh mất lòng tự trọng là điều kiện tối thiểu để con người sống như một sinh vật có tinh thần.

Thế thì ngay từ đầu, giáo dục dạy hãy cho con người ý thức được rằng, cái mà không thể đánh mất là tự trọng, không có cái gì có thể thay thế được; rằng làm người, trở thành người thì phải biết nghe theo tiếng gọi của lương tâm. Phải luôn luôn đặt ra cho mình một nhiệm vụ là nói thật, sống thẳng thắn, sống theo lương tâm, cái gì thấy phải bảo là phải, cái gì thấy trái bảo là trái, cái gì đồng ý thì nói là đồng ý, cái gì tôn quý thì biểu hiện thái độ là tôn quý... Ông Trời đã đặt sẵn vào trong từng người cái gọi là lương tâm, lương tri, lương năng, thiện năng... Tự lương tâm sẽ cất tiếng nói của nó.
 
" Chúng ta phải nhìn thấy tất cả nhưng đừng để những điều trông thấy chi phối hành vi của mình. Khi hành xử, phải tâm tâm niệm niệm, phải nhớ, phải bảo đảm cho mình rằng, không dối trá là cái tối thiểu phải làm, phải giữ, để không đánh mất lòng tự trọng. Chỉ cần trụ lại ở điểm ấy thì ai cũng tìm ra cách giải quyết, ai cũng tìm ra cách hành xử trong từng trường hợp cụ thể."
 
            PGS Phạm Vĩnh Cư
Một điều nữa mà tôi muốn nói tới là không thể tự co rút lại trước thực tại, tự thỏa mãn với mặt bằng dối trá được. Không, tuyệt đối không chấp nhận kiểu hòa hoãn dễ dãi: Thôi, đừng có đưa mắt nhìn xung quanh, đừng có nhìn sang người này người kia, nơi này nơi nọ mà nói ở đâu đâu cũng như thế thôi..

Chúng ta phải nhìn thấy tất cả nhưng đừng để những điều trông thấy chi phối hành vi của mình. Khi hành xử, phải tâm tâm niệm niệm, phải nhớ, phải bảo đảm cho mình rằng, không dối trá là cái tối thiểu phải làm, phải giữ, để không đánh mất lòng tự trọng. Chỉ cần trụ lại ở điểm ấy thì ai cũng tìm ra cách giải quyết, ai cũng tìm ra cách hành xử trong từng trường hợp cụ thể.

Đừng nhìn rồi nghĩ, xung quanh mình toàn điều dối trá, muốn sống được phải dối trá, cuộc sống là sự dối trá. Chúng ta sẽ sống như quan niệm của chính mình về cuộc sống, chứ không phải cuộc sống chỉ có như thế. Khi con người muốn nuông chiều mình, không muốn nghiêm khắc với mình, thì bao giờ cũng thế, họ lấy lợi ích xung quanh làm cái cớ bao biện rằng: đấy, nhìn xem, cuộc sống xung quanh toàn điều thối nát, bẩn thỉu...

Đúng, cái thối nát, bẩn thỉu, nhơ nhuốc đầy rẫy nhưng không phải mọi người đều bẩn thỉu như nhau. Những người trong sạch hoàn toàn, những bậc thánh sống rất hiếm hoi nhưng nhiều người vẫn giữ được cái tối thiểu là không đánh mất lòng tự trọng. Nếu không, loài người này biến khỏi mặt đất từ lâu rồi.

Kỳ tiếp: Của rởm đi với dối trá, của thật đi cùng lòng can đảm
  • Hoàng Hạnh (thực hiện)/phunutoday

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng