Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

27 thg 7, 2011

GỬI NGUYỄN TĂNG TIÊN & CÁC HIỆP SĨ ĐƯỜNG PHỐ

Nguyễn Văn Hoàng.

Mấy năm gần đây, nạn cướp giật trên đường phố đã luôn trong tình trạng báo động. Tuy chỉ là những hành vi nhỏ lẻ, nhưng có những vụ việc mà hậu quả chúng gây ra khôn lường. Ngoài thiệt hại về tài sản, gây tâm lý hoang mang trong dân chúng, không ít trường hợp còn khiến nạn nhân phải bỏ mạng.

Lực lượng công an từ lâu đã vào cuộc. Thành lập những đội đặc nhiệm, thường xuyên xây dựng chuyên án đấu tranh với loại tội phạm này. Các cơ quan truyền thông cũng sát cánh, kịp thời đưa tin về các chiến công rực rỡ nhằm uy hiếp tinh thần tội phạm và trấn an dân chúng. Tuy nhiên các vụ cướp giật vẫn chưa hề giảm đi, mức độ ngày càng manh động, táo tợn. Điều đó góp phần bùng cháy những bức xúc âm ỉ bấy lâu trong người dân. Và đó là một trong những lý do xuất hiện của các “Hiệp Sĩ Đường Phố”.

Những người này không hề có thân phận pháp lý rõ ràng, hoạt động không có công cụ hỗ trợ, chủ yếu dựa vào bản năng, không được đào tạo nghiệp vụ, không có chế độ chính sách, chỉ có họ tự bảo vệ che chở lẫn nhau và bảo vệ cho người dân. Hoạt động tương đối hiệu quả lại không được nhà nước bảo trợ đã khiến họ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm. Rất nhiều vụ, trong đó ầm mĩ nhất gần đây là vụ trả thù anh Nguyễn Tăng Tiên.

“Hiệp sĩ” bắt cướp, Nguyễn Tăng Tiên đang bị thương nặng. (Ảnh: Chí Tưởng/Vietnam+)

Những ngày này, qua báo chí được biết anh đang nằm dưỡng thương. Chắc anh đau lắm nhỉ! Nhưng có lẽ vết thương thể xác không đau bằng vết thương tinh thần. Anh đau vì đang làm một việc nhân nghĩa, một cử chỉ hào hiệp là chống lại cái Ác, thế mà lại bị cái Ác quật lại. Không có sự che chở từ cái Thiện, từ cộng đồng và anh đã tổn thương.

Anh bị tổn thương vì chính những người lẽ ra phải bảo vệ anh trước đó thì lại có thái độ thờ ơ, bỏ mặc. Vết thương chưa lành hẳn, anh lại bị tổn thương khi tiếp tục bị lưu manh, côn đồ trực tiếp đe dọa đến tính mạng.

Nguyễn Tăng Tiên và các anh ơi, các anh có biết mình là ai không? Các anh không phải là người của nhà nước. Các anh chỉ là những thường dân ở mọi góc độ. Trái tim đầy nhiệt huyết của các anh thôi chưa đủ để giúp cho đời, cho người.

Các anh hãy làm người con hiếu thảo, người chồng tốt, người cha tốt, chỗ dựa vững chắc cho cái gia đình nhỏ bé và hàng ngày đem về bình yên, hạnh phúc chứ đừng mang lại sự lo âu, thấp thỏm. Công an người ta có làm sao thì đã có chế độ, các anh được cái gì hay là những giọt nước mắt nhọc nhằn của người mẹ, người vợ chạy đôn, chạy đáo vay tiền chữa thuơng cho các anh? Nói rủi vừa rồi anh Tiên có mệnh hệ nào, ai thương cho cái thân anh? Ai lo cho bố mẹ, vợ con anh đây?

"Hiệp sĩ" Nguyễn Xuân Trinh tử nạn khi đổi bắt cướp. Ảnh nguồn Dân Trí.

Mục đích khi dấn thân làm những việc nguy hiểm thế này là gì? Vì bình yên cuộc sống chính nơi mình ở? Vì sự bức xúc với hành vi phạm tội ngang ngược trắng trợn của kẻ ác? Vì sự vô cảm của người đời? Vì tinh thần nghĩa hiệp? Tinh thần giúp đỡ người trong cơn hoạn nạn “thương người như thể thương thân”? Có thể thế. Nhưng có người lại nói các anh hoang tưởng khi muốn chứng minh rằng chỉ với vài kẻ quèn dở như các anh có thể làm được cái điều cả một lực lượng chính quy được ăn lương không làm nổi. Người thì lại cho các anh muốn nổi tiếng, muốn xã hội biết đến và cung cấp, tài trợ kinh phí hoạt động. Hình như các anh còn nuôi tham vọng là muốn được đặc cách vào ngành công an? Không dễ dàng thế đâu các anh ơi!

Mấy cái tên ăn cướp đó có cướp của các anh không nhỉ? Có đe dọa đến cuộc sống gia đình các anh không? Có làm mất nguồn thu của các anh không? Chắc là không. Vậy thì các anh ra tay làm gì. Các anh còn bao nhiêu việc vất vả phải lo cho cái gia đình bé nhỏ kia mà. Ví thử “một vài con sâu”, thôi thì ngứa mắt bắt đi thì được. Đằng này “một bầy sâu”. Chưa bắt xong sâu cũ, sâu mới lại nở hàng đàn bắt sao cho xuể. Phải chờ phun thuốc thôi và điều đó thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng.

Nhìn mấy bác ngư dân mặt méo thành lập “Tổ Đánh Bắt Xa Bờ” mà tội. Họ cũng chẳng ham hố, nhiệt huyết gì cho lắm đâu. Họ không như các anh. Chẳng qua họ làm thế là vì vào bước đường cùng thôi. Đó là kế sinh nhai duy nhất - tương lai, cuộc sống của cả gia đình họ. Vì nồi cơm vợ con họ mong chờ ở đất liền. Vì khoản nợ ngân hàng mà họ trót vay. Ra biển, ngoài sóng và gió họ còn có ai nữa đâu. Những con người nhỏ bé, bất lực ấy đành phải bấu vào nhau, tìm cách nương tựa, co cụm lại.

Biết rằng các anh “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha”, nhưng liệu chút sức lực nhỏ mọn của các anh, về lâu dài, có thể đem lại bình yên cho cái cuộc sống này? Các anh hơi lo việc bao đồng rồi đấy. Rất nhiều gia đình, cá nhân nghèo hèn, bệnh tật đang chờ đợi tinh thần “tương thân, tương ái” của các anh đấy, sao không thấy các anh xuất hiện, chăm sóc, giúp đỡ. Hay đó là ba việc cỏn con không đáng ra tay. Thế thì các anh làm hẳn việc lớn đi, việc ảnh hưởng đến cả dân tộc, đến vận mệnh đất nước và đang là Quốc nạn ấy: Tham Nhũng. Việc đó có ích gấp rất nhiều lần việc các anh đang làm ấy chứ. Nếu các anh dấn thân, đương đầu với cái đó, tôi tin rằng người dân cả nước còn khao khát hơn nhiều và sẵn sàng đứng sau các anh. Cả xã hội đều biết ảnh hưởng nghiêm trọng đến các anh, gia đình, họ hàng, người thân của các anh, của tôi và của cả xã hội là lũ Sâu Mọt Tham Nhũng. Nếu thực sự nhiệt huyết và can đảm, các anh hãy bắt tay chống lại chúng. Đây mới là việc hợp lòng dân, người dân sẽ ủng hộ. Giống như một người bị sốt, cứ cho uống thuốc hạ sốt mà không tìm nguyên nhân chữa trị tận gốc thì hết thuốc lại sốt. Nguyên nhân nảy sinh của tất cả mọi hành vi tiêu cực trong xã hội đều bắt nguồn từ Tham Nhũng. Với nghị lực và bản lĩnh của mình, tôi tin các anh sẽ đẩy lùi được thảm trạng này, xã hội vì thế sẽ trật tự và ổn định hơn. Các anh hãy mang chí trai của mình ra đương đầu hẳn với việc lớn ấy đi.

Tham nhũng mới thực sự là Quốc nạn. Ảnh minh họa nguồn internet.

Có lẽ anh sẽ nghĩ tôi là một kẻ hèn, “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”. Không đâu các anh ơi. Tôi cũng đã từng hơn một lần bắt cướp rồi đấy chứ. Đã từng bị tên cướp rút dao đâm hụt. Tôi làm đúng trách nhiệm của một công dân khi sự việc vô tình xảy ra ngay trước mặt mình, và chỉ dừng ở đó chứ không “lấn sân” của ai cả.

Nếu các anh đã thấy chán ghét cái cuộc sống ngột ngạt, nhầy nhụa và manh trá, không thiếu gì cách để dấn thân tìm cái chết. Chọn cách này, vô tình các anh sẽ lụy theo những đồng bào của mình. Sẽ có những người kém nhận thức bị dụ dỗ, ép buộc khi mô hình “những kẻ thích chết” của các anh được nhân rộng ra. Trong một tương lai không xa, các anh sẽ nằm trong danh sách những người bị oán thán.

Xét thật kỹ thì các anh là những người đáng trách. Các anh không hề có chuyên môn, nghiệp vụ, không được giao phó trọng trách, không được trả lương, có khi các anh còn phá hỏng việc của công an nữa chứ. Các anh nghĩ là họ không làm được ư? Bậy hết sức. Các anh nên nhớ không có một việc gì che giấu được công an Việt Nam, từ tép heroin bán lẻ đến giết người… Chẳng qua có thể đang trong giai đoạn điều tra, theo dõi cả mạng lưới nên họ chưa ra tay. Cho nên họ gọi các anh lên, chỉ cho bắt cướp ở chỗ nọ, chỗ kia là đúng đấy. Họ đang “giăng lưới” mà, nhỡ các anh vào “rung chà, cá nhảy” mất thì sao? Chưa nói đến lực luợng mặc thường phục, chỉ nói đến mấy anh giao thông, thử nghênh ngang không đội mũ, vượt đèn đỏ… xem, các anh ấy có hiện ra tóm thẳng cẳng như từ trên trời rơi xuống không?

Các anh có đọc cái bản tin về vụ hôi của vô cảm chưa? Các anh nghĩ gì về việc đó? Các anh có mặt ở đó thì có lấy lại được tiền từ những tên “cướp” kia không? Các anh có nghĩ một trong những người đó có thể từng bị cướp và được một trong các anh giành lại hộ không? Vậy đó các anh ạ. Cả những tên cướp thật và những tên cướp “tình thế” đều do một nguyên nhân gây ra: đồng tiền.

Nhiều người vẫn tin rằng cái tốt đẹp vẫn còn nhiều hơn cái xấu, dù rằng chẳng thể đo đạc, thống kê. Nhưng từ lâu, sự tha hoá, xuống cấp đạo đức xã hội lan tràn quá nhiều ở mọi các ngóc ngách của cuộc sống.Trước đây hay nhắc đến “số đông người lương thiện”, nhưng nay thì ít rồi và số ít ỏi đó vì tinh thần “sống chung với lũ” nên họ cũng đã “mũ ni che tai” từ lâu. Trong thời gian dưỡng bệnh này, anh Tiên và các anh thử ngẫm cho kỹ đi nhé, xem cái lòng nhiệt tâm của mình đã để đúng chỗ chưa? Có vô ích không? Nếu phải chết thì hãy chết một cách xứng đáng, chết oanh liệt, chứ không nên chết một cách rẻ rúng như thế.

Chúc các anh nhận ra chân lý của chính mình!

N.V.H

1 nhận xét:

Nhan Tran nói...

Ừ, mình cũng thấy mấy anh hiệp sĩ đường phố săn bắt cướp không được đào tạo chuyên môn mà cứ "hành nghề" như vậy vừa không có tính chuyên nghiệp, không danh chính ngôn thuận, lợi bất cập hại. Nếu muốn tăng cường an ninh xã hội, thì có nhiều con đường chính quy khác.

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng