Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

22 thg 7, 2012

Tan nát các khu bảo tồn thiên nhiên


Rừng đặc dụng mà điển hình là những khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) đang ngày càng bị tàn phá bởi lâm tặc. Trong khi đội ngũ kiểm lâm không thể chống lâm tặc thì bản thân người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng cũng gặp không ít thử thách. Tương lai của các KBTTN dường như quá mù mịt…
Tan nát các khu bảo tồn thiên nhiên
Những cây gỗ giáng hương khổng lồ bị chặt tại vườn quốc gia Yok Don - Ảnh: Doãn Hoàng
Muôn kiểu phá rừng

Rừng đặc dụng VN đã hình thành từ hơn 50 năm qua, song theo Bộ NNPTNT, cho đến thời điểm này, việc bảo vệ những KBTTN với hàng nghìn động thực vật quý hiếm vẫn là thách thức quá lớn của ngành lâm nghiệp. Tại các khu bảo tồn đều hình thành ban quản lý (BQL), tuy nhiên việc bảo vệ và phát triển tài sản rừng từ huy động chính quyền đến bản thân người dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Nằm trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Na Rì và hai xã thuộc huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), KBTTN Kim Hỷ có  diện tích hơn 15.400ha hiện đối mặt với nạn lâm tặc nhức nhối. Nhiều năm qua, nạn khai thác gỗ quý hiếm và vàng trái phép trở nên quá nóng bỏng ở đây.

Giám đốc KBTTN Kim Hỷ Nguyễn Tiến Dũng nói: “Gỗ và vàng đem lại nguồn thu siêu lợi nhuận, trong khi đời sống người dân của các xã thuộc địa bàn KBT lại quá khó khăn, người dân lại nông nhàn nên việc ngăn chặn hành vi khai thác tài nguyên trái phép vẫn là áp lực lớn của BQL”. Cũng theo ông Dũng, một bộ phận thanh niên có sức khỏe nhưng ham chơi, lười lao động đã bất chấp luật pháp vào KBT khai thác trái phép. Chính sự hung hãn, kích động lẫn những thủ đoạn tinh vi trong khai thác lâm sản trái phép của đối tượng này đã nhiều lần khiến lực lượng kiểm lâm phải “bó tay”.

Nếu như Kim Hỷ bị lâm tặc hoành hành thì KBTTN sinh cảnh Mù Cang Chải (Yên Bái) lại bị “băm bổ” bởi chính người dân địa phương. Sự thật đau lòng của KBT rộng hơn 20.000ha này là bà con dân tộc sống ngay quanh khu tự ý phá nát KBT mỗi ngày. Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Yên Bái Vũ Ngọc Tạo ngao ngán khi ví von rằng săn bắt và đánh bẫy động vật đã trở thành hoạt động “truyền thống” của người dân địa phương tại đây. “Người dân dùng mọi mánh lới để săn bắt động vật hoang dã bán cho miền xuôi, hàng càng hiếm càng đắt tiền… Không chỉ dân địa phương, thấy KBT là “miếng mồi ngon” nên dân từ Mường La (Sơn La) và Than Uyên (Lai Châu) cũng tràn xuống phá nát rừng” – ông Tạo thừa nhận.

Khó khăn lớn nhất trong quản lý của các KBT nói chung và Mù Cang Chải nói riêng, theo ông Tạo chính là trình độ nhận thức của bà con quá hạn chế. Hầu hết  người dân đều là người dân tộc thiểu số, do lợi ích trước mắt đã ngang nhiên phá rừng mỗi ngày. Ngoài hoạt động săn bắt động vật vô tội vạ ra còn có hàng loạt hành vi xâm phạm như phá rừng trồng thảo quả, làm cháy rừng, khai thác gỗ trái phép, chăn thả gia súc tự do… Tất cả những hoạt động trái phép trên đã khiến Mù Cang Chải đang từng ngày bị suy thoái nghiêm trọng.

Ông Ngô Tiến Dũng – Vụ Bảo tồn thiên nhiên – Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) lo ngại: “Rừng đặc dụng nước ta đang đối mặt với tình trạng suy giảm đa dạng sinh học do tác động ngày càng nặng nề của con người. Đặc biệt các KBTTN luôn là tâm điểm của việc khai thác lâm sản trái phép, trong khi đó nhân lực bảo vệ các KBT thì mỏng, trang thiết bị hạn chế và kinh phí hoạt động thì quá khiêm tốn”. Theo ông Dũng, hệ lụy từ việc tàn phá cảnh quan các KBTTN không hề nhỏ: Động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng rất cao, mất cân bằng đa dạng sinh học, tổn thất lớn trong việc hồi phục hệ sinh thái của rừng đặc dụng và các KBTTN… Tính đến năm 2011, tổng diện tích rừng đặc dụng suy giảm là hơn 328.000ha, bình quân mỗi năm suy giảm khoảng 65.000ha.

Thượng tá Lê Khả Hồng – Phó trưởng phòng 3 – C49 – Bộ Công an cho rằng những đối tượng “góp phần” làm suy giảm diện tích và hệ sinh thái các KBTTN rất đa dạng, trong đó chủ yếu chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép, đốt rừng làm nương rẫy. “Đặc biệt tình trạng chống người thi hành công vụ rất phức tạp. Đã có nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra, gần đây còn có biểu hiện chống người thi hành công vụ manh động, trắng trợn như dùng bẫy chông, bẫy đá, đâm xe, dùng hung khí tiêm nhiễm HIV để tấn công lực lượng thi hành công vụ”. Theo số liệu của Bộ Công an, riêng năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 122 vụ chống người thi hành công vụ tại các KBTTN, trong đó có 95 vụ nghiêm trọng gây thương tích cho gần 70 người.

Rừng bị tàn phá. Ảnh: D.H

Huy động người dân tự bảo vệ rừng

Trước tình trạng báo động của hệ thống rừng đặc dụng và đặc biệt là suy giảm đa dạng sinh học của các KBTTN, Bộ NNPTNT đã có đề án về quản lý bảo vệ rừng đến năm 2015, trong đó nhấn mạnh về hạn chế trong năng lực quản lý bảo vệ rừng của các ban quản lý. Các chủ rừng vẫn chưa có cơ chế tạo nguồn thu ổn định, theo đó không những không nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng mà còn cố tình tiếp tay cho các hành vi phá rừng. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc KBTTN Kim Hỷ (Bắc Kạn), địa bàn các KBT cách xa các đơn vị công an, quân đội nên trong quá trình phối hợp tuần tra, truy quét vẫn chưa kêu gọi kịp thời các lực lượng này tham gia. Bên cạnh đó, địa bàn quản lý KBT quá rộng, trong khi nguồn nhân lực, vật lực đều thiếu thốn nên việc quản lý càng chồng chất khó khăn.

Rừng thì mỗi ngày bị tàn phá không thương tiếc, trong khi ngành kiểm lâm thừa nhận việc bảo vệ các KBTTNT không thể trông chờ vào đội ngũ kiểm lâm vốn quá mỏng manh. Thực tế, Chính phủ đã có nhiều chủ trương về khuyến khích chính người dân tham gia đầu tư phát triển rừng đặc dụng như kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng (có phân khu rõ ràng), thí điểm đổi mới bộ phận kinh doanh du lịch sinh thái để thành lập các DN hay cho thuê môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch.

Hàng năm Nhà nước cũng hỗ trợ một khoản kinh phí cho ngân sách các xã có KBTTN để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng (với mức hỗ trợ 100.000đ/ha/năm), chi bồi dưỡng cho những người tham gia chữa cháy rừng với mức tối đa 100.000đ/người/ngày. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Dũng, xã hội hóa việc bảo vệ rừng vẫn là việc làm thiếu khả thi bởi mức hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng cho người dân xem ra chưa nhằm nhò gì so với sức hấp dẫn từ những thớ gỗ lậu, những loài thú rừng cho bạc triệu. “Hơn nữa, lực lượng kiểm lâm với quân số mỏng nếu không được phối hợp tối đa và không được bổ sung nhân lực, cũng khó mà chống chọi lại các lâm tặc hung hãn” – ông Dũng nói.
5.500 tỉ đồng đầu tư rừng đặc dụng. Số vốn này theo Quyết định số 24/2012/QĐ - TTg của Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011- 2020. Theo đó, tổng vốn đầu tư và vốn sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước cho chính sách này khoảng 5.500 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư là 50%.

Cả nước có 164 KBT, trong đó có 30 vườn quốc gia và 134 KBTTN với tổng diện tích hơn 2,2 triệu ha (số liệu của Vụ Bảo tồn thiên nhiên – Tổng cục Lâm nghiệp). Việt Nam được thế giới công nhận là 1 trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao, trong đó thực vật xếp thứ 20 thế giới, động vật có vú xếp thứ 28, chim xếp thứ 28, bò sát xếp thứ 19...

5.826 vụ vi phạm về động vật hoang dà là số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm, từ 2007 đến hết 31.5.2011. Hình thức vi phạm rất đa dạng, gồm săn bắt, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, tiêu thụ...
    D.H (tổng hợp) 

DƯƠNG HÀ/lao động

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng