Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

18 thg 5, 2012

CÁI TÁT CỦA LÒNG DŨNG CẢM


Nguyễn VănHoàng

Chiều 17/5/2012, Sở Khoa học Công nghệ TP HCM họp báo công bố kết quả nghiên cứu “Xác định nguyên nhân gây cháy xe” do Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Lọc Hóa dầu và Phòng thí nghiệm Trọng điểm Động cơ đốt trong (thuộc Đại học Bách khoa TP HCM) thực hiện từ tháng 1/2012 đến nay.

Bốn tháng, khoảng thời gian không dài với các nhà nghiên cứu, nhưng nó quá với sức chịu đựng, lòng kiên nhẫn của người dân. Le lói phần trăm hy vọng mong manh, ít ỏi, cuối cùng, đức liêm sỉ héo hon đã một lần thắng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Động cơ đốt trong cho biết: “Ống dẫn nhiên liệu bị lão hóa hoàn toàn, mất khả năng đàn hồi sau 10 ngày ngâm trong xăng dỏm. Khi bị pha thêm 10% methanol, khả năng rò rỉ của xăng sẽ rất lớn do ống dẫn nhiên liệu dễ bị phá hủy”.

PGS - TS Phan Minh Tân - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM đưa ra kết luận: “Sử dụng xăng chất lượng kém, không đảm bảo thì nguy cơ cháy xe tăng lên”.

Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Lọc Hóa dầu khẳng định: “Tất cả các nghiên cứu của chúng tôi đều có cơ sở khoa học và thực nghiệm. Xăng kém chất lượng là 1 yếu tố gây ra nguy cơ cháy xe. Nó gây ra vùng nóng cục bộ, tạo điều kiện cho hiện tượng cháy xảy ra; nó làm hỏng thiết bị dẫn nhiên liệu, gây ra rò rỉ nhiên liệu và làm tăng nguy cơ cháy”.


PGS - TS Phan Minh Tân - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM: “Sử dụng xăng chất lượng kém, không đảm bảo thì nguy cơ cháy xe tăng lên”. Ảnh nguồn internet.

Kết luận xem ra vô cùng hiển nhiên của cái Sở bé nhỏ với nhóm người nhỏ bé làm không ít kẻ tức tối, giật mình bởi trước đó, ngày 26/4/2012, trong số năm nguyên nhân gây cháy xe mà đại diện của những bốn Bộ (Công an, Khoa học - Công nghệ, Giao thông - Vận tải và Bộ Công thương) đưa ra, không có nguyên nhân này!?

Dù còn đôi chút hương vị e dè nhưng kết luận cũng đủ cho thấy đây là một hành động khảng khái, hiếm có suốt nhiều chục năm. Không ngoa khi nói kết luận là một cái tát dũng cảm vào giữa mồm của những kẻ nhân danh, đội lốt khoa học, lẫn lộn thị phi.

Tôi đã viết trong bài Cái thằng… “xăng dầu” gớm thật: “Sẽ thế nào nếu cố tình đưa ngọn lửa vào chiếc xe không bị rò rỉ hoặc chưa nạp nhiên liệu? Hy vọng bắt lửa để xảy ra cháy ở đây là không thể. Vậy không thể chối cãi, xăng dầu chính là nguyên liệu của các vụ cháy xe”.

Nhóm nghiên cứu còn chỉ ra sản lượng nhập khẩu methanol vào Việt Nam trong năm 2010 và 2011 (lần lượt là 90,3 ngàn tấn và 80,52 ngàn tấn) tăng đột biến so với năm 2008, 2009 (52,35 ngàn tấn và 66,04 ngàn tấn) và tỷ lệ thuận với đà tăng của số vụ cháy xe trong cả nước!? Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ phải trả lời trước công luận về sự “trùng hợp ngẫu nhiên” này nhưng với số lượng lên đến hàng ngàn tấn pha vào xăng để kiếm lời, e rằng với những doanh nghiệp nhỏ lẻ còn không thể kham nổi chứ chưa thèm nói đến mấy chai xăng dựng ngoài vỉa hè, lòng đường!!!

Còn nhiều câu hỏi bàn cãi nhằm phơi lột bộ mặt thật của vấn đề, nhưng xem ra dư luận người dân đồng tình, hả hê với kết luận khiêm tốn của các nhà khoa học đích thực. Tôi tin với đa số, đó thực sự là cái tát của lòng dũng cảm.

Xin có lời cảm ơn chân thành đến những người đã mạnh dạn vén mở bức màn bí mật của hiện tượng cháy xe.

N.V.H

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng