Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

30 thg 11, 2011

Nghịch lý tăng giá nước


Bộ Tài chính đang xây dựng khung giá bán nước sạch. Theo đó tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh giá nước tối đa là 18.000 đồng/m3 (gấp gần 4 lần giá phổ biến hiện hành), riêng vùng ven biển tối đa 23.400 đồng/m3.
 
 
Giá nước sinh hoạt tăng cao người dân
 sẽ chuyển sang dùng nước giếng khoan
Ảnh: S. XANH
 
Theo dự thảo Thông tư, mức giá tối thiểu ở khu vực đô thị loại 1, đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là 3.500 đồng/m3 và tối đa 18.000 đồng/m3. Đô thị loại 2, 3, 4, 5 từ 3.000 đến 15.000 đồng/m3. Còn khu vực nông thôn là 2.000 đến 11.000 đồng/m3. Ở những nơi như vùng ngập mặn, vùng ven biển, nơi người dân đi mua từng gánh nước ngọt thì chi phí để dẫn nước về đến tận hộ là rất cao. Do vậy, giá nước có thể tăng nhưng không vượt quá 30% mức giá tối đa khung giá tiêu thụ nước sạch, tương ứng là 23.400 đồng/m3.
Nói về nguyên nhân của việc tăng giá nước, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, hóa chất, lương, các thiết bị khác đều tăng. Trong đó, điện chiếm gần 40% trong tổng chi phí sản xuất nước nên việc tăng giá nước là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc tăng giá nước sinh hoạt trong thời điểm hiện nay là không phù hợp nếu không muốn nói là nghịch lý. Trên thực tế, nhiều công ty cấp nước không đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng phân phối nước mà cứ sử dụng hệ thống ống "già nua” cũ kỹ có tuổi thọ đã lên đến 30-40 năm. Vì vậy, lượng nước thất thoát từ rò rỉ ống, bể ống hàng năm rất lớn. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tỷ lệ thất thoát nước lên đến mức 35-40%. Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 1990, tỉ lệ thất thoát khoảng 40%, sau đó hạ dần ở ngưỡng trên dưới 30% ở những năm sau. Từ năm 2000 đến nay, khi Nhà máy nước Bình An (vốn BOT) phát nước chỉ với công suất 80.000 m3/ngày và được bổ sung thêm từ một số dự án khác, thì tỉ lệ này tăng dần, hiện nay ở mức 37%. Nhằm hạn chế lượng nước thất thoát hàng năm từ nguyên nhân chủ quan và khách quan, năm nào các công ty cấp nước cũng lên kế hoạch sửa chữa hàng ngàn điểm xì, thay mới ống mục, đổi hàng ngàn đồng hồ nước nhưng không hiểu sao tình trạng thất thoát nước vẫn không giảm. Thực tế các công ty cấp nước sửa như thế nào, thay ra sao chỉ có họ mới biết rõ. Chưa hết, không chỉ thất thoát nước từ các đường ống với hình thức rò rỉ, bể ống mà công tác quản lý cấp nước không tốt nên tình trạng "mất” nước, sử dụng kiểu "nước chùa” vẫn xảy ra và con số này không phải là con số nhỏ. Nói về nguyên nhân của việc thất thoát nước, đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho rằng, thất thoát nước sạch đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa khắc phục được. Nguyên nhân của việc trì trệ này là do Công ty hoạt động theo mô hình công ích, không có huy động vốn đầu tư. Hiện Công ty đang vay vốn của Ngân hàng Thế giới để đầu tư khắc phục tình trạng thất thoát nước sạch. Công ty cố gắng khắc phục giảm con số thất thoát nước sạch xuống 25% trong những năm tới.
Vấn đề nước "rơi vãi” trên đường phân phối đẩy giá thành sản xuất lên cao tại TP. Hồ Chí Minh hay ở Hà Nội cho dù từ yếu tố khách quan hay chủ quan đều là sự tổn thất lớn về của cải xã hội. Sự bất cập trong công tác quản lý và đầu tư đã khiến cho công tác chống thất thoát nước đang rơi vào tình trạng nan giải. Và cuối cùng, gánh chịu thất thoát vẫn đè nặng lên vai người tiêu dùng khi giá nước tăng cao. Thiết nghĩ, việc tăng giá nước sinh hoạt chỉ hợp lý khi các công ty cấp nước chủ động đầu tư đúng mức vào hệ thống cấp nước và không còn tình trạng thất thoát nước sinh hoạt lớn như hiện nay, hoặc tăng giá nước khi chi phí đầu vào cao hơn chi phí đầu ra. Liệu có thỏa đáng nếu việc tăng giá nước sinh hoạt nhằm bù vào phần nước thất thoát do quản lý yếu kém? Nhận định về việc tăng giá nước sinh hoạt, một số chuyên gia cho rằng, cần phải giảm tỉ lệ thất thoát xuống theo lộ trình. Nếu doanh nghiệp nào không giảm được theo mức cam kết thì sẽ không cho tăng giá. Cơ quan quản lý nhà nước không nên xây dựng khung giá mới đối với sản phẩm mà chỉ dựa trên đề xuất của các đơn vị cung cấp nước sạch mà phải tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh lỗ của doanh nghiệp. Vì theo chính sách quản lý giá nước, Nhà nước sẽ xóa dần bao cấp với mặt hàng này, không thể nuông chiều và o bế doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách để đảm bảo quyền lợi của người dân, không thể để tình trạng doanh nghiệp càng kinh doanh, tỉ lệ thất thoát càng lớn mà cứ kinh doanh thua lỗ lại bắt người dân "đồng cam cộng khổ” cùng doanh nghiệp.
THANH GIANG (Đại đoàn kết)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng