Nguyễn Văn Hoàng
Giàu thì ai cũng thích, nhưng tôi không có máu làm giàu nên tôi không ham làm giàu.
Vào những tháng cuối năm 2006, đầu năm 2007, rộ lên phong trào "người người chứng khoán", "nhà nhà chứng khoán". Từ quán cà phê cho đến hàng nước chè vỉa hè. Ông xích lô, bà quét rác trên môi sẵn sàng nở ra, bàn bạc những vấn đề liên quan chứng khoán.
Mấy đứa em hay ngồi cùng cà phê cũng không ngoại lệ. Mặc xã hội, mặc công việc… Vứt hết. Không gì hấp dẫn hơn bàn về cổ phiếu, cổ phần.
Và mỗi khi chỉ số VN-Index "dâng" cao, họ lại đưa mắt nhìn tôi cái nhìn ái ngại. Họ "thương" vì rao giảng mãi mà tôi không thay chuyển.
Ngày 12/3/2007, VN- Index lên ngưỡng 1170.67 điểm, HASTC-Index đạt 459.36 điểm. Vài kẻ "náo loạn" ăn mừng: mua đất phân lô, thay xe hơi đời mới. Gặp mấy đứa em hể hả, tôi nói: Bán. Họ nhìn tôi như từ trời rơi xuống. Cổ phiếu càng để càng lên. Thôi, không chấp lời kẻ ngoại "đạo".
Từ lâu, tôi vẫn nói, kiểu gì cũng rơi. VN- Index chỉ tồn tại quanh ngưỡng 450-500 mà thôi. Tôi mãi mãi bảo lưu quan điểm này.
Dòng tiền biến mất hoàn toàn do chủ ý. Ảnh minh họa nguồn internet.
Sau đó VN- Index trải qua giai đoạn sụt trồi, giằng co rồi suy giảm. Nhà đầu tư trong ngoài nước bán tháo. Xã hội nháo nhào. Các biện pháp được đưa ra. Chính phủ lao vào cứu chữa. Các “ông lớn” thi nhau xuất hiện trên truyền hình phát ngôn trấn an. Ngừng bán cổ phiếu tự doanh. Dừng phát hành trái phiếu. Lập quỹ bình ổn giá. Ngưng niêm yết mới. SCIC bỏ 5000 tỷ đồng vào mua… Tất cả chỉ giúp VN- Index “tỉnh” được vài phiên rồi lại “ngất” ngay sau đó. UBCKNN điều chỉnh biên độ “hãm rơi” đến 4 lần mà không ăn thua.
Ngày 24/2/2009 – ngày của thảm họa, VN-Index rơi xuống đáy 235,5 điểm.
HNX-Index tiếp tục rơi mãi. Ngày 14/2/2011 mới chạm đến mốc thấp nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam: 59,64 điểm.
Phá sản, thua lỗ của các CTCK là hệ quả tất yếu. Hủy niêm yết, bỏ sàn là chuyện đương nhiên. Biết bao gia đình, người thân lục đục, đổ vỡ vì chứng khoán. Vào tù, tự tử, chui lủi trốn, bại liệt thân danh. Trước đó, đã có không ít nhà nữ đầu tư hám lợi chấp nhận “đổi chác” bằng “lên giường”. Đồng tiền khiến người ta mê muội.
“Luận cứ” mà tôi đưa ra duy nhất: ở nước ta chưa có sự minh bạch. Thiếu vắng minh bạch trong tất cả các khâu ở tất cả các doanh nghiệp đã biến TTCK VN thành "thị trường ảo". "Tâm lý bầy đàn" là thứ "gia vị" vốn đã thừa thãi lại quá vô duyên khiến “nồi canh” chứng khoán sôi trào lên rồi bốc hơi nghi ngút. Dòng tiền từ túi người dân đổ vào thị trường đã biến mất hoàn toàn do chủ ý.
Thỉnh thoảng vẫn ngồi với mấy đứa em. Có đứa rút ra mất toi phân nửa. Đứa cay cú gan lỳ găm giữ mấy tờ giấy coi như của đánh rơi. Chẳng đứa nào nhắc gì đến chứng khoán.
Cho đến nay, tôi vẫn bảo lưu quan điểm, vì thiếu minh bạch, VN-Index khó có thể vượt xa 450-500 điểm.
Trừ phi, người dân Việt Nam còn... ngu muội!
N.V.H
0 nhận xét:
Đăng nhận xét