Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

12 thg 3, 2012

Cái mũ bảo hiểm và... dưới cái mũ

Không thể để tình trạng quản lý từ ngọn, xây nhà từ nóc dồn người dân vào cảnh phải bất lực mà chịu phạt vì phần lỗi không hoàn toàn của mình.
Sau khi có thông tin rằng thông tư liên tịch về việc cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm (MBH) chưa đạt tiêu chuẩn, nhiều người đã rất băn khoăn về việc này. Chuyện cái mũ (ở đây là MBH) khiến người viết cảm thấy buồn cười và nghĩ lan man về chuyện... dưới cái mũ. Có một vấn đề dưới cái mũ rất to!
Quản lý từ ngọn
Ông A.Riedl, cựu Huấn luyện viên trưởng của bóng đá Việt Nam từng có nhận xét bất hủ: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc!". "Xây từ nóc" nhưng lại muốn công trình mình mang tính vĩ mô kiểu như lọt vào top 10 bóng đá khu vực, có mặt ở vòng chung kết World Cup. Ước mơ (giàu tính viển vông) được trình bày theo dạng dự thảo chiến lược phát triển để trình bộ, ngành hẳn hoi.
Bóng đá lại phản ánh hiện thực cuộc sống!
Nên đề xuất quản lý MBH "dỏm" bắt đầu từ người dân, cụ thể là người sử dụng xe máy, là một hiện thực về cung cách quản lý "từ nóc" mới vừa nêu trên.
Cụ thể là các Bộ: Giao thông Vận tải, Khoa học Công nghệ, Công thương và Công an đã ngồi lại với nhau để cho ra đời thông tư liên tịch "về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy".
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) trả lời trên báo Tuổi Trẻ rằng: "Dự thảo thông tư do liên Bộ Khoa học Công nghệ, Giao thông Vận tải, Công an và Công thương phối hợp xây dựng, nhắm tới cả bốn đối tượng quản lý gồm sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và người sử dụng MBH. Bản chất vấn đề của dự thảo là nhằm xây dựng chế tài xử lý cả bốn đối tượng chứ không phải chỉ chi phối một đối tượng là người sử dụng.
Hiện nay có nhiều loại MBH được sản xuất, nhập khẩu và bày bán công khai trên vỉa hè rất nhiều có hình dáng giống MBH khiến người tiêu dùng, thậm chí cả cơ quan chức năng, đều nhầm lẫn. Đó là mũ giả MBH. Hiện chưa có quy định để xử lý người kinh doanh những loại mũ này vì khi bị kiểm tra họ cho đây là mũ cho người đi bộ, mũ thời trang..."

Có một vấn đề dưới cái mũ rất to. Ảnh minh họa
Chính câu trả lời tưởng chừng kín kẽ này lại lộ ra nhiều sự bất hợp lý đến mức buồn cười. Người viết xin nêu năm câu hỏi rất cơ bản về luật để các cơ quan vừa kể trên xem xét lại:
-1/Bắt MBH không đạt chuẩn có phải của CSGT hay là của ngành quản lí thị trường (nếu MBH sản xuất trong nước) và ngành hải quan (nếu MBH nhập khẩu)? Cảnh sát kinh tế và ngành thuế quản lý ra sao khi bán MBH dỏm cũng là hình thức trốn thuế? Trách nhiệm của các cơ quan trên ở đâu khi xuất hiện MBH giả tại Việt Nam?
-2/Trong khi các nhà quản lý chất lượng chưa phân biệt thật- giả như ông Trần Văn Vinh nói thì người dân làm sao phân biệt nổi? CSGT muốn phạt tiền dân đội mũ giả, thì lấy gì làm căn cứ thật giả khi "ông" Nhà nước còn mù mờ? Nếu tôi đội MBH theo tiêu chuẩn của Mỹ và khi so độ bền nó đập vỡ MBH theo tiêu chuẩn Việt Nam thì tôi có quyền kiện người bắt mình với lý do MBH không đạt chuẩn tội... "vu khống" không?
-3/ Nếu lấy tem kiểm định làm quy định phân biệt thì cơ quan Nhà nước có chứng minh tem kiểm định có cùng thời gian sử dụng với MBH không khi thực tế cho thấy qua một thời gian sử dụng tem kiểm định bị trầy xước, bong tróc. MBH vẫn xịn mà tem kiểm định xuống cấp thì ai dán tem lại, quy trình ra sao, có phiền hà không?
-4/Tại sao nguyên nhân (các cá nhân, tổ chức sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH không đạt chuẩn) chưa bị "tiêu diệt" mà hậu quả (người mua phải MBH dỏm) lại phải gánh chịu qua các khoản phạt? Bắt từ gốc hay phạt từ ngọn sẽ hợp lý hơn trong cách giải quyết vấn đề?
-5/ Ý kiến này của một bạn đọc ký tên Út Ròm trên báo Tuổi Trẻ cực kỳ thú vị: Nếu điều này được ban hành, thì sau này lẽ nào có quy định "Đi xe máy đổ xăng "dỏm" sẽ bị phạt?". Nhìn rộng hơn, người dân sẽ lãnh đủ mọi khoản phạt khi Nhà nước không thể kiểm soát vấn đề từ gốc như cách không cho đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường trong khi nhu cầu bãi gửi xe kêu hoài nhưng không đáp ứng nổi?
Vì thế, không thể để tình trạng quản lý từ ngọn, xây nhà từ nóc dồn người dân vào cảnh phải bất lực mà chịu phạt vì phần lỗi không hoàn toàn của mình.
Ai là người tiêu dùng thông minh?
Sở dĩ người viết dùng cụm từ "lỗi không hoàn toàn của mình" là vì thực sự người dân cũng có lỗi!
Tôi hay khuyên mẹ mình mua gà qua kiểm dịch, rau an toàn, nước tương không chất gây ung thư, sữa không chứa melamine,... trước khi sử dụng. Những hàng hóa cần phải mua đều nên xem trước có rõ nguồn gốc xuất xứ không và đặc biệt tránh xa những hàng nhái "xứ lạ" vốn đẹp như thật,nhưng tiềm ẩn biết bao điều nguy hiểm.
Không cần nói đâu xa, vừa đọc thông tư liên tịch trên người viết lập tức chạy ra xem cái mũ mình có đúng chuẩn không và thở phào may mắn vì nó còn tem CR chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.
Nhưng nhan nhản những chiếc MBH trên đầu những người xung quanh tôi khi ra đường thì tin chắc có khá nhiều trường hợp đội cho có, đội tránh phạt. Vậy thì ai dám cam đoan rằng trong số những người thân của chúng ta không đang trang trí trên đầu khi ra đường một chiếc MBH vì đẹp thay vì an toàn? Và vì đẹp, người ta có thể tặng nhau những chiếc MBH không đạt chuẩn theo kiểu "yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau".
Trong vấn đề này các cơ quan Nhà nước nên xem lại công tác tuyên truyền ý thức của người tham gia giao thông song song với việc siết chặt quản lý, kiểm tra, xử phạt đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh MBH dỏm. Khi làm tốt được việc này thì việc phạt những người cố tình đội MBH kém chất lượng mới "danh chính ngôn thuận".
Bạn muốn an toàn khi sử dụng một vật dụng nào đó, bạn không thể cứ phớt lờ các cảnh báo từ Nhà nước và nhà sản xuất được. Nhà sản xuất (thậm chí là danh tiếng) cũng có thể tạo ra những sản phẩm lỗi hoặc hoàn toàn kém chất lượng (vì bạn đâu thể kiểm tra quy trình sản xuất của họ).
Nhà nước có quyền kiểm tra, đánh giá và đưa ra các khuyến cáo dựa trên cơ sở khoa học của các chuyên gia sẽ đáng tin cậy hơn. Nếu bạn bỏ qua những khuyến cáo như thông tư liên tịch nói trên thì chính bạn đã đưa mình (và có thể là cả người thân, người quen) vào thế nguy hiểm khi đội MBH kém chất lượng khi ra đường.
Mua MBH 300.000 đồng/ cái trong một show- room và có tem kiểm định, hóa đơn bao giờ cũng đáng tin hơn mua MBH 30.000 đồng/cái ở một vỉa hè nào đó. Tôi chưa nói đến yếu tố thật- giả, chất lượng tốt- chất lượng kém nhưng rõ ràng khi có hóa đơn thì bạn còn biết phải kêu ai khi MBH ấy có vấn đề.
Vấn đề lớn nhất vẫn là người dân còn thói quen kêu ca và ít tín nhiệm đối với cơ quan Nhà nước mà ở một dạng thức nào đấy cũng là cách "hại người, hại mình". Nói đơn giản hơn là đưa mình vào tình thế "chết vì thiếu hiểu biết"!
Quay lại với "ông" Nhà nước
Trong một vài lần đi xuyên Việt, người viết cực kỳ thú vị với những biển cảnh báo sinh động kiểu như "chậm một giây còn hơn gây tai nạn" kèm theo hình ảnh minh họa là một chiếc xe máy vỡ vụn cạnh chiếc xe hơi móp méo phần đầu. Điều này sẽ tác động đến tâm lý của người đi đường một cách trực tiếp và hiệu quả theo phương thức trực quan sinh động hơn là những khẩu hiệu sáo rỗng và mang tính đối phó như "tuyến đường có bắn tốc độ", "tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm",...
Cuộc sống luôn vận động và thay đổi (trước) thì cung cách quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi (sau). Vấn đề là cái sau nếu không có tính dự báo và quá chậm thì sự bất hợp lý sẽ gia tăng và tạo ra những mâu thuẫn cơ bản giữa trách nhiệm quản lý Nhà nước và quyền lợi người dân.
Thiển nghĩ, trong vấn đề này các cơ quan Nhà nước nên xem lại công tác tuyên truyền ý thức của người tham gia giao thông song song với việc siết chặt quản lý, kiểm tra, xử phạt đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh MBH dỏm. Khi làm tốt được việc này thì việc phạt những người cố tình đội MBH kém chất lượng mới "danh chính ngôn thuận".
Nhất Ngôn/tuanvietnamnet

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

nhà nước hiện nay đang cháy túi nên tìm đủ mọi cách bòn tiền dân đó mà!

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng