Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.

THEO DÒNG SỰ KIỆN

27 thg 10, 2011

SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ: SỰ NGU ĐỘN ĐÃ LÊN ĐẾN TỘT ĐỈNH?

Nguyễn Văn Hoàng

Việt Nam nằm trong top những nước nhiều rác nhất thế giới. Ngoài những địa chỉ thân quen như vỉa hè, lòng đường, cống, rãnh… rác rưởi còn xuất hiện ở cả những nơi: bệnh viện, trường học, và các sở ban ngành... Không một nơi nào trên Việt Nam là không có rác.

Rác rưởi trên mọi lĩnh vực, trong mọi góc cạnh. Thường ngày phải bít mũi, chón rón bước nhanh, mắt ngó lơ vì không muốn cái con người trần tục của mình phải dính thêm tí bẩn nào nữa.

Mấy hôm nay, bỗng dưng người ta gom một phần trong những xú uế kia lại, cắm lên vài cái biển văn hóa, thẩm mỹ. Tuy lấp liếm đó chỉ là vui, là giải trí, xả xí trét, nhưng không quên ba hoa về sự sáng tạo, đột phá và khẳng định ngôn ngữ, văn hóa sẽ được thay đổi, làm mới, phong phú nhờ hổ lốn bẩn thỉu đó. Cố ngồi viết vài dòng trao đổi với mấy đồng tác giả và fan hâm mộ cái đống đó nhưng không yên, chốc chốc lại phải chạy ra nhổ. Nước bọt ở đâu cứ kéo về ầm ầm. Có lẽ là do mờ ảo cái ổ mủ đương mưng, tanh tưởi và đang vào thời kỳ hoại tử này.

Người xưa dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để làm gì? Để suy nghĩ cho thấu đáo, chín chắn, nói ra những điều có ý nghĩa.

Người xưa cũng dạy “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Để làm gì? Để con người ta phải biết mình, biết người. Biết xấu hổ, đỏ mặt khi nói ra những điều mình chẳng hiểu ý nghĩa của nó là gì. Nếu chưa tận tường, việc đầu tiên là im lặng, lắng nghe những người hiểu biết để học hỏi.

Quyển “sách” tôi chưa được cầm trực tiếp. Nhưng qua mạng, tôi được biết nội dung “sách” gồm những câu đại loại như: tụ tập con cá mập; có chí thì ghê; đen như con mèo hen; đẹp trai có gì là sai; thô bỉ như con khỉ; xinh như con tinh tinh; bó tay con gà quay; ngất ngây con gà tây; tào lao bí đao; tự nhiên như cô tiên; đẹp trai nhưng hai phai; điên đi trong công viên; ảo tung chảo; đói như con chó sói; chảnh như con cá cảnh; bét nhè con gà què; bộ đội thích chơi trội; chán như con gián; dở hơi biết bơi; ngon lành cành đào; thoải con gà mái; bét nhè con gà què; cướp trên giàn mướp; ngất trên cành quất; tào lao bí đao; tự nhiên như cô tiên; thất bại vì ngại thành công; không mày đố thầy dạy ai; một điều nhịn, chín điều nhục; vãi đái con gà mái; bực như con mực; buồn như con chuồn chuồn; già như quả cà; dốt như con tốt; lạnh lùng như thạch sùng; tinh tướng ăn khoai nướng; dã man con ngan; tinh vi sờ ti con lợn, đau sờ cau, thanh kiu vina miu; đú kiểu rừng rú; khổ như con hổ; sát thủ trên cây đu đủ; nếu không yêu hãy tỏ ra yếu sinh lý; thú vui tao nhã, giặt tã cho con; không phải chú dốt, chỉ vì mẹ chú quên cho i ốt vào canh; xấu nhưng kết cấu nó đẹp; thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá…

Ôi! Những câu thế này mà là thành ngữ thì thế giới lại có thêm một lý do để nghiêng mình "kính nể" Việt Nam nữa rồi! Nói hơi ngoa, chẳng cần phải học rộng, tài cao cũng đủ khẳng định nhanh rằng tuy có vần, nhưng ít nhất 90% số câu là xuẩn dại và vô nghĩa. Nếu muốn chứng minh tận cùng của sự ngu dốt, tự mình hủy hoại thể diện, không gì tốt hơn cách sử dụng những "thành ngữ" này. Có lẽ “nhóm tác giả” quên mất rằng những thành ngữ của người xưa tương đối chính xác về ý nghĩa, về hình tượng, thường được dùng để ví, để so sánh với những nhân vật, hiện tượng, sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày.

Khi trả lời phỏng vấn trên báo Bưu điện Việt Nam, họa sĩ Thành Phong lập luận: “có hàng ngàn người nhấn nút like trên các trang mạng ủng hộ cuốn sách. Tại sao không hỏi ý kiến chính giới trẻ về cuốn sách này”? Nghe sao thấy giống phát động bỏ phiều bầu chọn Vịnh Hạ Long quá! Phong thử đi hỏi những kẻ đang dùng ma túy xem họ có đồng ý cấm buôn bán ma túy không? Thử hỏi những người đi chơi gái xem họ có ghê tởm người bán trôn nuôi miệng? Ôi chao, các nhà làm luật mà đi hỏi ý kiến thì có lẽ chẳng bao giờ cho ra nổi một cái luật! So về số lượng thì fan của Phong chỉ bằng một phần nhỏ của mấy web sex, tại sao cứ phải ngăn chặn? Ví thử trình độ dân tộc Việt tương đương cấp cơ sở, tiến hành trưng cầu dân ý, liệu mấy ông Giáo sư nói càn dưới đây có còn được làm nữa hay không? Thế cho nên từ xưa tới nay, mọi sự bỏ phiếu, bầu bán ở Việt Nam, với những người hiểu biết, đều là vô giá trị. Muốn kết quả bình bầu được công nhận, ngoài minh bạch, phải hội đủ ba yếu tố: Học thức, Nhận thức, Liêm sỉ.

Phong thanh minh: “Khi làm cuốn sách, chúng tôi đã ghi rõ trên đó là 15+, theo chúng tôi thì trên 15 tuổi là đã có đủ nhận thức xã hội để tự mình có quan điểm về những vấn đề như thế này rồi. Chúng tôi tin độc giả trẻ hiểu được đâu là giải trí, đâu là phê phán”. 15+ thì sao chứ? 15+ thì không chịu nhiều ràng buộc từ phía gia đình? 15+ tự tin, dám làm tất cả vì tưởng mình đã đủ nhận thức? Chính vì thế, đa số vụ vi phạm pháp luật là 15+.

Phong ơi, nhận thức của con người không phụ thuộc tuổi tác. Nhận thức luôn song hành cùng với đời sống con người. Sự thay đổi, phát triển của xã hội, dù theo chiều hướng nào, cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức mỗi cá nhân. Rất nhiều những quyền cao, chức trọng, túi đầy bằng cấp, đầu hai thứ tóc vẫn sai lầm lè ra, phải trả giá bằng tù tội. Đó là do nhận thức chưa đúng trong một khía cạnh, lĩnh vực nào đó. Chưa nói là 15+, một con người có ý thức tốt đến mấy, mà không được sống trong môi trường lành mạnh, thật khó có thể giữ được bản thân mình sạch trong. Ngay như “nhóm tác giả” này cũng vậy, tuy mọi người ít nhiều cũng có tí nhận thức, nhưng do cái xã hội bát nháo, hỗn loạn này nên mọi người mới thành ra như vậy!

Phong cho rằng: “cuốn sách này mục đích của nó đơn giản chỉ để là vui, giải trí. Phong không ủng hộ những kiểu gây sốc một cách phản văn hóa”. Vui, giải trí nhưng trước hết phải có ý nghĩa. Chả lẽ vốn liếng kiến thức, sáng tạo của những người làm văn hóa cạn rồi hay sao mà phải dựa trên những điều vô nghĩa? Người bị bệnh thần kinh khổ sở thế nào khi có những lời nói, cử chỉ, hành động vô nghĩa không thể kiểm soát được? Không lẽ vì vui mà những người tỉnh táo, hoàn toàn bình thường như chúng ta lại đi sử dụng những ngôn ngữ bất bình thường như vậy? Tôi nghĩ "nhóm đồng tác" hoặc là thần kinh, hoặc là vô học tới mức không nhận thức nổi có nghĩa và vô nghĩa. Và có lẽ do không nhận thức được điều này nên họa sĩ đã gây sốc "phản văn hóa" chẳng khác gì những thảm họa Vpop hay lộ hàng gần đây…

Phong tuyên bố: “Thực tế đã chứng minh là cách giáo dục một chiều, áp đặt không thể đạt được hiệu quả như người ta tưởng. Xã hội hiện nay đang ngày càng phát triển, và không thể nào mà chỉ sử dụng những phương pháp rắn để giáo dục được. Người trẻ hiện nay họ có rất nhiều lựa chọn, nếu không thu hút được họ thì làm sao giáo dục họ”. Đồng ý rằng không nên áp đặt trong giáo dục, nhưng kiến thức sử dụng trong giáo dục phải được chắt lọc, phải được phát triển trên nền tảng tư duy hoàn toàn bình thường. Nếu không, sao phải tốn kém chữa trị cho bệnh nhân tâm thần, hướng họ tới có thể kiểm soát được ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi của mình để làm gì? Nếu chỉ nhìn về mục đích thu hút thôi thì chưa đủ. Cái Xấu bao giờ cũng có sức thu hút hơn cái Tốt. Và khi đem cái Xấu ra làm sức thu hút, tác dụng giáo dục chưa thấy đâu, hậu quả xấu đã xảy ra rồi. Bằng chứng là sự xuống cấp của đạo đức trong xã hội, nhất là giới trẻ hiện nay.

Theo Phong, “những người phê phán vô tình trở thành rào cản của sự phát triển của ngôn ngữ. Ngôn ngữ giống như một dòng nước, liên tục chảy, từ thời này sang thời đại kia, mỗi lần như thế nó lại chuyển sang các nhánh khác nó rộng và phong phú hơn. Nếu cố tình chặn nó thì bản thân nó sẽ tù đọng và thậm chí còn tự mất đi”. Người thần kinh, người câm điếc, người bệnh Đao… đều có ngôn ngữ riêng mà chỉ những người tương đồng mới có thể hiểu nổi. Không lẽ lấy đó để nhân rộng, phổ biến cho những người bình thường để thêm phần phong phú? Không hiểu Phong nghĩ gì khi tiếp xúc với những người nói bằng ngôn ngữ bệnh Đao? Và Phong có cho đó là điều bình thường?

Bản thân Phong cũng nhận thức được là có góc nhìn “chủ quan”, “gây phản cảm” với người đọc. Như vậy còn mục đích gì Phong vẫn muốn phát hành nếu chỉ là vui, giải trí? Phải chăng đồng tiền cũng làm Phong mờ mắt như bao kẻ khác? Giống như những người bán thực phẩm ướp hóa chất độc hại, biết là gây độc, gây ung thư, quái thai cho thế hệ sau nhưng vì lợi nhuận, vẫn rắp tâm? Đây cũng là một trong những chất cực độc, gây quái thai, dị dạng cho cả một nền văn hóa nếu những thứ như thế này không được loại bỏ và ngăn chặn.

Sự kiện UB ATGT Kiên Giang phát 45.000 tờ rơi tuyên truyền giao thông có từ ngữ, nội dung khiêu dâm, tục tĩu, suy diễn ngô nghê, cùng với thảm họa lộ hàng, VPOP, Sát thủ đầu mưng mủ… đang là những hậu quả của hiện tượng lệch lạc nhận thức như trên.

Hãy cùng thử xem một vài hình ảnh. Ảnh nguồn Giáo dục Việt Nam.

Bộ đội đúng nghĩa từ trước tới nay chả có phân biệt, ganh đua nổi trội. Bộ đội ở đây là từ lóng chỉ dân bụi đời, xã hội đen, anh chị. Như vậy hình ảnh chân đá lựu đạn, tay vớ súng thế kia là ủng hộ, khuyến khích, khơi mào, dẫn đắt người ta đến với hành vi sử dụng bạo lực, vủ khí nóng.

Ăn chơi vẫn sợ mưa rơi??? Cho trẻ ăn thì ăn nhập gì với ăn chơi sợ gì mưa rơi?

Con gà tây kia được làm đẹp bằng dao kéo?

Con hổ nhìn thấy đồng loại của nó bị nấu cao? Có phải con hổ nào cũng bị nấu cao? Thế những con hổ chuyên đi săn trộm trâu, bò, dê, lợn thì chắc cũng đau khổ?

Đói như con sói? Con sói lúc nào cũng đói? Cái đói của con sói hơn tất cả cái đói của các con khác?

Tê giác thuộc loại động vật ăn cỏ, chuyên ăn các loại lá cây, cành và chồi non, hoa quả và các loại cây bụi có gai.. Tê giác săn con gì?

Trong dân gian, hình tượng con ngan quá dã man?

Có thể nói chính xác đây là hiện tượng cổ vũ cho phong trào bịa đặt, xuyên tạc vô nghĩa, nhảm nhí nhưng cực kỳ nguy hiểm nơi xó chợ, vỉa hè. Một dạo rộ lên đã tạm thời im ắng, bôi xấu cả những câu lẽ ra phải rất được trân trọng:

Á có Bác Hồ đời em được ấm no.
Nếu không ấm no vì lý do không... Bác Hồ


hay

Em là búp măng non khi có con em là măng... già…

Ngày nay, người ta dễ ngộ nhận những câu nói thuận miệng, vần, nghe vui tai và hay được sử dụng là thành ngữ mà không nghĩ rằng đó chỉ là vài trong muôn vàn câu đùa nghịch, cợt nhả trong đời sống thường nhật không hề có ý nghĩa. Thành ngữ là những câu cú được chắt lọc, tồn tại qua thời gian, là những đúc kết hoàn toàn có ý nghĩa, trong sáng, hướng thiện, được cộng đồng chấp nhận. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” khuyên răn, nhắc nhớ sức mạnh sự kỳ diệu của đồng thuận vợ chồng, nay bị xuyên tạc tới mức tầm thường, bởi tầm nhìn và tư duy, quẩn quanh, không vượt quá khỏi sự thèm khát, thỏa mãn của cơ quan sinh dục: “con đông mệt quá”. Cứ đà này tiếp diễn, một ngày gần đây, cả những câu nổi tiếng từng đi vào sử sách cũng sẽ bị bôi nhọ, vấy bẩn kiểu: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng… ngửa”

Có những fan hâm mộ lên tiếng quyết liệt ủng hộ “đầu mưng mủ” nhưng lại thừa nhận: “Về mặt ngôn ngữ học, thành ngữ là những câu, cụm từ dễ đọc, thường có vần điệu, mang một ý nghĩa nhất định được đại đa số dân sử dụng”. Hơn 90% những câu tự nhận thành ngữ kia là vô nghĩa. Như vậy nói “đại đa số dân sử dụng” thì có nghĩa là Việt Nam mình còn quá nhiều người Ngu. Với những người có nhận thức, trình độ chỉ đủ để cảm nhận những thể loại thế này mà bức xúc, muốn gửi cho nhà xuất bản ở nước ngoài, thì xin mời, cứ thử làm xem. Trong số các tác phẩm tên tuổi ở Việt Nam, có mấy tác phẩm xứng đáng điều đó? Với nội dung như vầy, nói một cách thô thiển, xin lỗi, có nhỡ, họ cũng không dùng để chùi vì mủ tanh sẽ làm bẩn thêm... cứt của họ.

Một số người cho những câu nói được tiếp nhận đến mức phổ biến thì là vô hại!? Ôi chao, nếu chỉ nhìn vào sự tồn tại và được mọi người tiếp nhận thì từ xưa có cái xấu nào không còn tồn tại và không có kẻ tiếp nhận đâu nhỉ? Ma túy ngày một lộng hành, con giết cha mẹ ngày càng nhiều, mại dâm gia tăng, làm tình bầy đàn đang được giới có tiền hưởng ứng… có lẽ cũng là vô hại?

PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam nhận xét: “những câu biến tấu tục ngữ cũ, ít nhiều phản ánh biến thể ngữ nghĩa khác, có vẻ lệch pha nhưng là điều chúng ta đáng ngẫm nghĩ”. Ông ví dụ: “dốt như con tốt” thì có hẳn một luận cứ đấy chứ. Con tốt là quân tồi nhất trong bàn cờ hay trong cỗ bài tam cúc. Người ta thường nói “cờ bí thí tốt” cũng bởi con tốt xoàng và con tốt “dốt”. Thưa ông, con tốt chỉ là một quân bài do con người đặt ra, có vị trí nhất định trong ván cờ. Dốt hay không phụ thuộc vào người chơi, chứ không phải bản thân con tốt. Trong binh nghiệp, tốt chỉ cấp bậc của người lính ở giai đoạn đầu, sau đó theo thời gian, trình độ, sẽ dần được lên chức cao hơn. Rộng ra trong xã hội cũng vậy, con người muốn trưởng thành, có vị trí, địa vị, cũng phải trải qua thời gian xuất phát điểm. Chẳng hạn có được học hàm Phó Giáo sư hiện nay, ông không thể nói rằng hồi xưa ông không cần học lớp một. Do đó “dốt như con tốt” hoàn toàn là vô nghĩa.

Nếu ai hay xem kênh truyền hình của các nước phát triển, sẽ công nhận với tôi một điều rằng, dù trong phim hay ngoài đời, các cô cậu bé vài tuổi phát ngôn những lời thoại vô cùng ý nghĩa, thể hiện một tư duy logic sáng tạo tuyệt vời trước mỗi hiện tượng, sự việc trong cuộc sống, và không hề thiếu phần dí dỏm. Điều đó chứng minh đẳng cấp về trình độ, nhận thức của con người.

Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc công ty Nhã Nam yêu cầu “công bằng” và “khách quan”. Ông ví dụ về tranh vẽ mô tả câu thành ngữ: “ăn chơi sợ gì mưa rơi”: “đấy là cái nhìn hài hước nhưng cảm thông với vô số bà mẹ ở đô thị khổ sở vì cho con ăn rất khó”. Vậy đứng về mặt khách quan thì cho “trẻ con ăn rất khó” ăn nhập gì với “ăn chơi không sợ mưa rơi” hả ông Giang?

Ông Giang còn cho rằng nếu nhìn như thế thì vô số câu của ông cha là “nhảm nhí”, “không có lợi” và “sốc” như câu “L… đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, hay “văn chương chữ nghĩa bề bề/ thần L… nó ám thì mê mẩn người”. Ở đây, ông Giang dùng từ “nhảm nhí” là không đúng. L… mà các cụ dùng là từ thô trong dân gian, vẫn sử dụng để chỉ cơ quan sinh dục nữ một cách phô phang, trắng trợn. L… là rất tục, nhưng câu của các cụ thì lại rất có ý nghĩa và rất đúng, chứ không phải sạch sẽ nhưng ngu độn, vô nghĩa như hầu hết các câu trong “đầu mưng mủ” này.

Tiện đây, mạo muội xin thay mặt các cụ, tặng ông một câu dạng trên, có lẽ ông cũng biết. Cực hay và chuẩn xác với tuyệt đối quý ông đã, đang, sẽ có mặt trên dương trần:

Dù ai trăm khéo, ngàn khôn.
Đến cửa nhà L… quỳ gối chống tay.


Ông Giang cho rằng: “các thành ngữ, các lối diễn đạt trong cuốn Sát thủ đầu mưng mủ hầu hết có tần suất sử dụng rất lớn”. Có lẽ ngoài lợi nhuận là lý do lớn nhất, đây là lý do lớn thứ hai mà các nhà sản xuất thi nhau vin vào. Nội dung, ý nghĩa hoàn toàn không được nhắc đến. Xin hỏi nhóm tác giả có biết, những câu nào có tần suất sử dụng lớn nhất, toàn dân Việt Nam già trẻ gái trai, vô học, có học đều sử dụng, luôn thường trực trên môi? Đó là những câu chửi. Rất nhiều chủng loại, phong phú, mô tả chính xác, sức sống mãnh liệt, rất có ý nghĩa về mặt hỗn láo, có tác dụng trong một hoàn cảnh thực tế nào đấy. Vậy nó có nên được gom thành sách và xuất bản không?

Công bằng mà nhìn nhận, trong tập giấy in chữ của các ông, có một vài câu có chút ý nghĩa nghèo nàn, chỉ đáng sử dụng ở đẳng cấp dưới, thuộc loại văn hóa lùn. Đó là những câu nói rất đỗi bình thường, nếu không nói là tầm thường, dành cho những đối tượng lười tư duy, chậm hiểu, không có kiến thức để lập luận, thường hay dựa vào thứ "vũ khí" Cùn & Quẫn.

Ông Giang còn tỏ vẻ “trăn trở”: “tiếng Việt sẽ giàu có về đâu, khi tiếng mới thì ngại không cập nhật, tiếng cũ thì vay mượn không ít”. Ôi! Đúng là cỗ lòng của kẻ sĩ, cũng biết đau đáu với đời. Thế mà cứ bảo đại gia chỉ biết đến tiền. Nhưng ông Giang ơi, trong đống phế thải các ông cất công gom giữ, có chữ nào là "mới"? "Mới" chăng chỉ là cách sắp xếp, lắp ghép từng chữ có nghĩa thành câu vô nghĩa! Trước đây, nó thuộc loại tầm phào, chứng minh cái ngô nghê của người sử dụng; còn nay, nó lại giúp chứng minh sự xuẩn độn đến tột đỉnh của một nhóm tác giả và fan hâm mộ.

Một câu nói, câu văn có nghĩa khi dịch ra bất cứ thứ tiếng nào cũng được người nói thứ tiếng đó hiểu và công nhận. Hãy thử mang những câu trên dịch ra tiếng Anh rồi đưa những người nói tiếng Anh xem, xem họ bình luận thế nào về ngôn ngữ, trình độ, nhận thức của người Việt? Hay chỉ nhận được nhục nhã, ê chề? Vốn liếng tiếng Việt đầy ra đấy, cứ hiểu hết và dùng tốt đi, đừng mang cái ngu dốt của mình ra cho thiên hạ chửi. Như thế làm xấu hổ, xúc phạm dòng họ, tổ tiên, ông bà đấy.

PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng thì lại nói: “Giới trẻ có cách ăn nói tếu táo của họ, sao lại bắt họ phải nghiêm chỉnh mới cho là hay”? Chết! Chết! Sao một ông PGS.TS ngữ học lại ủng hộ cho phát ngôn “tếu táo” nhỉ? Chưa bàn đến việc tếu táo hay nghiêm chỉnh, một câu được nói hay viết ra, nếu đem lên sách, điều đầu tiên là phải đúng chuẩn mực về ngữ pháp và phải có nghĩa, bởi vì chúng ta là những con người bình thường, không mắc bệnh về thần kinh. Nếu không cần chuẩn mực, thì giáo viên dạy văn để làm gì? Giáo viên dạy môn tự nhiên để làm gì hả ông Phó Giáo sư?

Tôi đọc đi đọc lại mà không thể hiểu nổi, ông đem câu "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" và "Bán anh em xa mua láng giềng gần" cực kỳ thâm thúy, tế nhị của các cụ ra để so sánh với câu nào trong tập giấy in chữ kia khi nói về sự tồn tại của thành ngữ? Có lẽ chỉ mang bộ óc siêu việt của ông thì mới hiểu thôi!

Ông còn khẳng định: “Nếu một nhóm trẻ nói với nhau mà cha mẹ không hiểu là chúng sung sướng rồi: ngôn ngữ vạch ra một lằn ranh giữa "giới trẻ" và "giới già". Ðấy là một biểu hiện của cái mà giới chuyên môn gọi là khoảng cách thế hệ”. Giới chuyên môn của ngành nào định nghĩa “khoảng cách thế hệ” là già “không hiểu” trẻ? Trong thế giới động vật, con bố, con mẹ còn phải dạy con con "ngôn ngữ" giao tiếp với đồng loại. Hay là giới chuyên môn các ông đang nói về loài nào không phải loài Người?

Ông còn nói: “Sát thủ đầu mưng mủ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận giới trẻ. Họ thấy thú vị: thứ ngôn ngữ của riêng họ mà lại có người quan tâm, làm cả một cuốn sách”! Ông là nhà ngữ học, nhìn thấy rõ “nhu cầu” của độc giả thì hoặc là ông nên chuyển sang nghiên cứu cái thứ gây mửa này, hoặc là ông nên “về làm vườn”, bởi hoặc là ông không gánh nổi trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà Đảng và nhân dân giao phó, hoặc là thứ ngôn ngữ sạch sẽ vẫn giúp ông sống được sẽ trở nên ế ẩm, chẳng được ưa dùng. Vậy nên về nghỉ cho khỏe, ông ạ!

Còn đây là phát biểu của GS.TS ngôn ngữ học Phạm Ðức Dương: “Việc sưu tập lại các thành ngữ mà hiện nay giới trẻ đang sử dụng trong ngôn ngữ đời sống hằng ngày của họ, như tập sách Sát thủ đầu mưng mủ là rất đáng cổ vũ".

GS ngữ học Phạm Đức Dương nhắc tôi nhớ lại một sự kiện ồn ào cách đây chưa lâu. Sau khi các nhà khoa học về An toàn Sức khỏe tâm huyết lên tiếng cảnh báo: bột nêm chỉ có 2% là thịt xay và chứa các hóa chất siêu bột ngọt, có độ ngọt gấp 200 lần so với mì chính, có thể gây bệnh chuyển hóa, quái thai. Các chất này bị cấm ở những nước phát triển và không có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Thì PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia lại đưa ra ý kiến trái ngược, rằng các hóa chất trong bột nêm là an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Ý kiến cá nhân bà Lâm cũng ngầm nói lên rằng phát minh ra bột nêm chứa hóa chất độc hại bán cho bà con ăn là rất “đáng cổ vũ”!

Các GS, PGS, các nhà trí thức có trí nhỡn hơn người phàm tục, là những người biết nhìn xa, trông rộng. Xin cảm ơn các ông. Nhờ kiệt xuất tinh hoa như các ông, lũ ngu dân chúng tôi mới được sáng mắt, sáng lòng, mới được hiểu “ổ mưng mủ” là một phần bình thường, thú vị của cơ thể. Với sự quan tâm, động viên, khích lệ nhiệt tình của các ông, một ngày gần đây, “ổ mưng mủ” sẽ được nhân rộng. Cơ thể lở loét, nhầy nhụa Việt sẽ là một vựa khổng lồ ngập ngụa mủ. Giòi bọ lúc nhúc tha hồ đua nhau sinh sôi, nảy nở. Đột phá táo bạo, mới mẻ ấy sẽ góp phần làm nên “nét đặc trưng bản sắc dân tộc Việt”. Có những người như các ông làm Giáo dục, hướng xã hội đến Chân - Thiện - Mỹ thì nền Giáo dục nước nhà mới có như ngày hôm nay, có Cướp - Giết - Hiếp - Nhũng - Túy - Dâm… nhiều như hiện nay. Các ông đã nhiệt tâm đóng góp công sức rất lớn cho công cuộc băng hoại nhận thức, đạo đức xã hội. Vô cùng biết ơn! Trân trọng cảm ơn!

Thật đúng là:

Kình nghê vui thú kình nghê.
Tép tôm thì lại vui bề tép tôm.


Chúc các ông tìm được nhiều niềm vui chung với các bạn trẻ!

N.V.H

2 nhận xét:

Thạch Đầu nói...

Từ trang Trương Duy Nhất, tôi tìm đến đây. Tôi đã đọc rất nhiều bài bàn về TP này, về vấn đề này. Tôi đồng ý với anh, Thành ngữ dân gian luôn phản ảnh bệnh lý xã hội. Người bênh vực với TP, có lẽ vì họ tìm thấy căn bệnh mãn tính của xã hội ta nằm mơ hồ đâu đó đàng sau những quán ngữ ngô nghê kia. Nhưng suy cho cùng, không phải vì thế, mà vô tình tiếp tay với cách làm hoen ố đi Chữ Việt. Anh lý giải rạch ròi, có định hướng vì những điều đẹp đẽ cần giữ gìn cho Tiếng Việt. Đây là bài viết tôi cần đọc. Thật là cám ơn anh.

Nặc danh nói...

Đồng ý cả hai tay :D, nhiều người khen chê lấn cấn mãi, giờ mới đọc đc bài này thật xác đáng :)

Đăng nhận xét

 
thiet ke web hai phong| thiet ke website hai phong||thiết kế website hải phòng||thiết kế web hải phòng